Cuộc đời bi thảm của người phụ nữ thiểu năng
Ngày hạnh phúc đón con trai chào đời, chị Nguyễn Thị Điệp (Long Biên, Hà Nội) đã vô cùng đau đớn khi các bác sĩ đưa cho tờ giấy xét nghiệm kết luận mình bị nhiễm HIV.
Tuổi thơ bất hạnh của người phụ nữ thiểu năng trí tuệ
Lúc chúng tôi đến nhà, ông Nguyễn Hữu Phúc (bố chị Điệp) đang vui đùa bên đàn cháu nhỏ. Trong các cháu của ông có bé Nguyễn Hữu Hiếu (9 tuổi) bị thiểu năng trí tuệ. Bé Hiếu có gương mặt khôi ngô, nhìn người lạ với ánh mắt ngác ngơ nhưng không hề né tránh.
“Tôi dắt cháu ra ngoài đi dạo ai cũng khen cháu đẹp trai và tưởng cháu nó bình thường đấy. Các bác sĩ bảo cháu bị thiểu năng trí tuệ, tăng động… Cháu không nói được, chỉ ú ớ thôi. Tuy nhiên, chúng tôi cảm nhận cháu cũng nhận thức được ai là ông bà, mẹ…”, ông Phúc buồn rầu khi nói về đứa cháu trai tội nghiệp.
Khi ông Phúc đang trò chuyện với chúng tôi thì một người phụ nữ trẻ, gầy đến mức như chỉ còn da bọc xương đi từ từ ra phòng khách. Đó là chị Nguyễn Thị Điệp (39 tuổi) - mẹ cháu Hiếu. Chị Điệp là con thứ hai trong 3 người con của ông Phúc. Chị bị thiểu năng từ nhỏ. Theo lời kể của ông Phúc, chị chỉ có biểu hiện hay quên, còn ngoài ra thì vẫn nhận thức được mọi thứ như bao người khác.
Mới đầu, gặp chúng tôi, chị có vẻ e dè khi nói chuyện, sau đó thì thoải mái hơn. Chị Điệp kể về cuộc đời mình với những giọt nước mặt rơi lã chã. Chị bảo, ngày trước chị cao ráo, khỏe khoắn chứ không ốm yếu như bây giờ. Trước đây, chị nặng 50kg còn hiện tại chị chỉ còn 33 kg.
![]() |
Trước đây chị Nguyễn Thị Điệp nặng 50 kg, hiện tại chị nặng 33 kg
Sinh trưởng trong một gia đình làm nông nghiệp, từ nhỏ chị Điệp đã phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng. Đến tuổi đi học, chị cũng đến trường như bao người nhưng chỉ theo học 3 năm rồi bỏ. Đi học mầm non thôi mà chị học 3 năm mới xong một lớp. Ngày ấy cứ đi học về là chị nhốt mình trong phòng, không nói chuyện với ai.
So với bạn bè cùng trang lứa, đầu óc chị không nhanh nhạy bằng. Đặc biệt, chị không dám giao tiếp với mọi người xung quanh. Cũng vì ít nói, thành ra cô giáo hay cáu với chị. Bị cô đánh vào tay đỏ ửng mà chị cũng không biết kêu đau. Thương con không thể hòa nhập được với bạn bè nên vợ chồng ông Phúc bàn nhau cho chị ở nhà.
May mắn, chị có một sức khỏe tốt. Cũng vì thế nên khi chị ngoài 20 tuổi, ông Phúc bắt đầu cho con gái đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình. Mặc dù làm chậm so với mọi người nhưng với bản tính thật thà, chịu khó, chị được sự tin tưởng của người thuê.
Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, đó là quy luật tất yếu trong mỗi gia đình. Gia đình chị Điệp cũng không ngoại lệ, bố mẹ chị cũng mong muốn chị tìm được người yêu thương mình thật sự để xây dựng hạnh phúc riêng.
Ngỡ ngàng khi cầm tờ giấy xét nghiệm dương tính với HIV
Thời gian thấm thoát trôi qua, cũng bởi không nhanh nhẹn hoạt bát như người khác nên chị Điệp lận đận đường tình duyên. Chưa thấy con gái yên bề gia thất, bậc làm cha làm mẹ như vợ chồng ông Phúc chưa thể yên tâm. Ngày đó vợ chồng ông Phúc chỉ sợ ngày mình già yếu, mất đi, con gái sẽ khổ, không ai chăm sóc những lúc ốm đau.
Năm tròn 30 tuổi, chị Điệp gặp một anh thợ xây quê gốc ở tỉnh Vĩnh Phúc lên Hà Nội làm thuê gần nhà. Đem lòng quý mến chị nên những lúc rảnh rỗi, người đàn ông đó lại ghé qua nhà chị chơi.
Không chỉ riêng chị Điệp mà vợ chồng ông Phúc cũng rất quý anh. Nhìn cách nam thanh niên đó đối xử, chăm lo cho con gái mình, ông Phúc nghĩ đó là một người đáng tin cậy.
Người đàn ông đó cũng cho biết mình đã có gia đình nhưng do nhiều lí do nên cả hai chia lìa đôi ngả. Hiện tại, gặp chị Điệp anh đem lòng yêu mến và muốn tính chuyện trăm năm.
Chân thành, thật thà xưa nay vốn là một đức tính đáng quý. Ông trời se duyên, bố mẹ chị Điệp cũng đồng ý tác thành. “Tôi thấy cậu ấy cũng là người thật thà, yêu thương con gái mình nên đã đồng ý cho cả hai đến với nhau. Cũng vì muốn gần con gần cháu nên tôi đề nghị cho chúng ở cùng vợ chồng tôi”, ông Phúc nhớ lại.
Đến năm 2008, khi con Điệp mang bầu thì anh ta xin phép gia đình về quê giỗ cụ, xong việc sẽ lên ngay. Nhưng rồi chờ 1-2 tháng cũng không thấy quay lại nên gia đình mới nhờ người gọi điện để thông báo Điệp có em bé. Nghe xong anh ta liền tắt máy, từ đó không ai gọi được cho nữa.
Khi hỏi địa chỉ cụ thể của chồng mình thì chị Điệp không nhớ nên cũng không ai biết địa chỉ chính xác của người đàn ông này.
Đủ ngày đủ tháng, chị Điệp sinh hạ một cậu con trai nặng 2,2 kg. Ngày ẵm cháu trên tay, vợ chồng ông Phúc cũng có phút giây chạnh lòng vì cháu mình không có bố bên cạnh. Nhưng ông bà cũng gạt suy nghĩ đó sang một bên, họ hạnh phúc đón chào thành viên mới của gia đình.
Niềm vui có cháu ẵm bồng vừa nhóm lên thì ông bà sững người khi nghe bác sĩ gọi lấy thêm một giấy kết quả nữa. Cầm tờ xét nghiệm trên tay, ông Phúc không tin vào mắt mình, mọi thứ dường như sụp đổ, con gái ông dương tính với HIV.
Chua xót vì con trai không biết nói
Căn nhà của ông Phúc (bố chị Điệp) ngổn ngang đồ chơi trẻ em, nền gạch phủ một lớp bụi dày. Năm người, ba thế hệ trong một gia đình đang chơi đùa với nhau.Chị Điệp đi chân đất, bộ quần áo ở nhà ngả màu cũ kỹ, lâu lâu chị đưa tay vuốt nhẹ mái đầu của cậu con trai tội nghiệp.
Đang chơi đùa với nhau, bỗng bé Nguyễn Hữu Hiếu (con chị Điệp) đứng phắt dậy, kêu ú ớ. “Cầm dây xích vào thôi con ạ. Đến giờ trưa rồi, bận bịu cơm nước không ai trông được nó đâu”, ông Phúc nhẹ nhàng nói.
Còn bà Nguyễn Thị Lộc (mẹ chị Điệp) thì chạy ra ngoài quán tạp hóa gần nhà mua mấy chai nước giải khát, gói kẹo. Bà bảo: “Cứ có kẹo, nước ngọt uống là cháu sẽ ngoan. Từ bé, thương nó thiệt thòi nhiều thứ nên nhà có gì ngon cũng ưu tiên cho cháu”.
Bé Hữu Hiếu có vấn đề về tâm thần, thỉnh thoảng lại lên cơn tăng động. Những lúc ổn định thì Hiếu ngồi yên vần vò một món đồ nào đó như chai nước, quả bóng, ô tô đồ chơi…
Trước đó, gia đình cũng cho Hiếu đi học tại lớp dành cho trẻ tăng động. Nhưng không giáo viên nào đủ kiên nhẫn với Hiếu. Đến lớp ngoài việc chạy nhảy thì cậu bé phá hoại, xé sách, xé vở. Nhiều năm theo học, bé Hiếu không viết nổi tên mình nên gia đình quyết định cho nghỉ hẳn ở nhà. Trong cuốn vở của Hiếu là những dòng nguệch ngoạc, không ý nghĩa.
Trước đây, chị Điệp mang thai bé Hiếu mà không hay biết. Trong một lần cảm cúm, chị đã uống thuốc kháng sinh để chữa. Gia đình chị cho rằng, có thể đó là nguyên nhân khiến Hiếu bị tăng động như bây giờ.
Có lẽ, với một người mẹ, sinh ra đứa con không trọn vẹn là một nỗi đau không diễn tả được bằng lời. Nỗi đau đó còn lớn hơn hơn việc chị biết trong huyết mạch của mình đã tồn tại hàng tỉ con virut HIV.
Dặn mình nghĩ tích cực, sống ý nghĩa
Ngày biết mình nhiễm HIV, chị Điệp chưa hiểu hết được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Nhìn ánh mắt đau thương của bố mẹ dành cho mình, chị biết đó là một vấn đề khó nói.
Gạt đi những giọt nước mắt tuyệt vọng, chị Điệp tiếp tục sống cuộc sống chìm nổi của mình. Người mẹ trẻ lo chăm con, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. May mắn lớn nhất là cháu Hiếu không bị lây nhiễm HIV. Biết hoàn cảnh của chị, các bác sĩ đã kêu gọi hỗ trợ thuốc thacho chị uống.
Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa, biết hoàn cảnh của chị, bà con chòm xóm có người thương xót nhưng cũng có người xa lánh. Chị không trách họ nhưng vẫn không tránh khỏi những phút chạnh lòng. 10 năm qua, mang trong mình căn bệnh thế kỷ nhưng chị chưa bao giờ ngừngi làm việc, trừ lúc ốm đau.
Kể về người chồng của mình, chị bảo: “Nhiều người bảo có lẽ tôi bị lây nhiễm HIV từ chồng. Với tôi, bây giờ nguyên nhân từ đâu không còn quan trọng. Tôi không thể thay đổi được sự thật đó nữa. Nếu có như vậy thì thôi cũng không trách, không hận. Bố tôi là người căn dặn, động viên tôi rất nhiều. Giờ đây, nếu còn ngày mai, tôi luôn dặn mình phải nghĩ tích cực, sống ý nghĩa.
Tôi nghĩ chồng tôi về quê và không quay trở lại chắc hẳn có nỗi khổ riêng. Thời gian chung sống với nhau tuy ngắn nhưng mọi người đều rất vui vẻ. Anh ấy chăm chỉ việc nhà, việc xóm, những ai biết anh đều khen ngợi”.
Trước đây, chị Điệp trắng trẻo, xinh xắn. Thời điểm hiện tại, sức khỏe chị suy giảm bởi sự tàn phá của virus HIV. Chị không còn ăn được nhiều. Thân hình chị nhỏ thó, đôi mắt thăm thẳm buồn. Cũng bởi sức khỏe yếu nên chị phải nghỉ làm thường xuyên.
Do đầu óc lúc nhớ lúc quên nên nhiều khi chị lỡ việc uống thuốc dành cho người nhiễm HIV. “Dặn con uống thuốc nhưng nó cứ nhớ nhớ quên quên lẫn lộn. Khi tôi hỏi thì nó chẳng nhớ mình đã uống chưa, lên phòng kiểm tra thì thấy lọ thuốc vẫn còn nguyên”, ông Phúc cho biết.
Muốn mình hiểu biết thêm về căn bệnh thế kỷ, hòa nhập với cuộc sống bên ngoài chị Điệp tham gia nhóm Tự lực sống chung với HIV. Trong nhóm, chị Điệp là người có hoàn cảnh đặc biệt bởi mắc chứng thiểu năng về trí tuệ, bố mẹ lại già yếu nên không thể đưa chị đi thăm khám thường xuyên. Cũng vì vậy, chị được trưởng nhóm quan tâm, động viên nhiều nhất.
Khó khăn vẫn hằn trên khuôn mặt của người phụ nữ luôn phải gồng mình đối mặt với bệnh tật. Nhưng, thay vì ngồi than trách, né tránh, chị Điệp đã mạnh mẽ đối diện và tập làm quen với nó. Hy vọng, trong tương lai, mẹ con chị sẽ được hạnh phúc, dù đó chỉ là một hạnh phúc nhỏ nhoi giữa bề bộn khó khăn.