Đà Nẵng: Đồng bộ công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai

16/07/2024 15:07

(Chinhphu.vn) - 5 năm triển khai Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, TP. Đà Nẵng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, kéo giảm tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy; chú trọng hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người sau cai.

Đà Nẵng: Đồng bộ công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai- Ảnh 1.

Các học viên học nghề tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng. Ảnh minh họa

Theo Sở LĐTB&XH TP. Đà Nẵng, tính đến ngày 15/5, trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 1.398 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý, gồm có 780 người nghiện ma túy và 618 người sử dụng trái phép chất ma túy.

Trong số người nghiện ma túy có 52 người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, 466 người tại cơ sở cai nghiện (bắt buộc: 417 người, tự nguyện: 49 người), 18 người trong các trại giam. 

Triển khai Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định số 116/2021/NĐ-CP, Sở LĐTB&XH TP.Đà Nẵng đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu UBND TP đã ban hành 2 Nghị quyết, 2 Kế hoạch về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

Sở cũng ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tạo hành lang pháp lý để các đơn vị, địa phương thực hiện công tác tổ chức cai nghiện tập trung cũng như công tác quản lý, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú.

Đồng thời tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong toàn xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chỉ thị 36-CT/TW; cấp phát 192.382 sổ tay, tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống ma túy trong học đường...

Phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi "Sáng tác phim ngắn về phòng, chống tệ nạn ma túy trong học đường" năm 2021 và 2023, "Vẽ tranh tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy trong trường học" năm 2022 cho học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn.

Đối với công tác cai nghiện bắt buộc, trong 5 năm qua, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận, quản lý, điều trị cai nghiện cho 2.619 người, trong đó cai nghiện tự nguyện 415 người, 47 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; giải quyết hòa nhập cộng đồng cho 2.237 người (trong đó 1.932 người được miễn, giảm thời hạn cai nghiện).

Đối với công tác quản lý và giải quyết các vấn đề sau cai nghiện ma túy, giai đoạn 2020-2024, toàn thành phố có 2.543 lượt người quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú (tính đến ngày 15/5/2024, thành phố có 331 người đang quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú).

Các ngành, địa phương đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên, giúp đỡ 730 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 355 triệu đồng; giới thiệu tìm việc làm cho 15 người; hỗ trợ sinh kế cho 356 người với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng và hỗ trợ vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm cho 9 trường hợp có nhu cầu với số tiền 180 triệu đồng...

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị, công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát. 

Một số vấn đề khó khăn trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện đã được thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ, hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nhằm tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, TP. Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về công tác phòng, chống và cai nghiện túy cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.

Trong đó, chú trọng đến đối tượng đích về tác hại của tệ nạn ma túy; đầu tư nguồn lực, phương pháp truyền thông đa dạng thông qua hình ảnh, phóng sự, video, mạng xã hội... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tư vấn cho người nghiện và gia đình họ trong việc tự nguyện đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai có hiệu quả Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ và rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện công lập. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật, dạy văn hóa, dạy nghề, hướng nghiệp cho học viên cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tăng cường tổ chức tập huấn chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực tiếp làm công tác cai nghiện ma túy.

Chú trọng quan tâm giải quyết các vấn đề xã hội đối với người sau cai nghiện ma túy như: hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ sinh kế, học nghề, hỗ trợ vay vốn, giới thiệu việc làm...

Như Ngọc

}
Top