Đà Nẵng triển khai Nghị định 116 về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện
(Chinhphu.vn) - Ngày 30/6, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 116/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy.
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, giai đoạn 2014-2021, Thành phố có 1.014 người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Trong đó, có 500 người cai nghiện tự nguyện và 514 người cai nghiện bắt buộc. Số người hoàn thành chương trình cai nghiện là 821 người, đạt tỷ lệ 81%.
Trong thời gian quản lý sau cai nghiện, các ngành, địa phương đã tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên người sau cai nghiện để họ yên tâm, giúp đỡ kịp thời các trường hợp khó khăn. Giai đoạn 2014-2021, Thành phố đã tổ chức hỗ trợ vay vốn, học nghề, tạo việc làm và hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 1.856 trường hợp với tổng số tiền 5,898 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng có chính sách động viên, khuyến khích cho người sau cai nghiện từ 5 năm trở lên không tái nghiện với mức 10 triệu đồng. Theo đó, từ năm 2014 đến nay Thành phố đã hỗ trợ với tổng số tiền 1,63 tỷ đồng, qua đó góp phần giúp nhiều trường hợp ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa việc sử dụng trái phép chất ma tuý, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên và hạn chế sự gia tăng người nghiện mới; từ năm 2015, thành phố triển khai thực hiện công tác "cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên mới sử dụng trái phép chất ma túy" và triển khai thí điểm mô hình "can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy".
Từ hiệu quả của 2 mô hình trên, thành phố ban hành chính sách dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy tại Nghị quyết số 334/2020/NQ-HĐND. Theo đó, Thành phố tập trung hỗ trợ sinh kế, tự học nghề cho người có nguy cơ cao nghiện ma túy; người đang cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; người sau cai nghiện đang được quản lý tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố…..với hình thức truyền nghề, mua sắm phương tiện sinh kế, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/người.
Hỗ trợ chi phí cho UBND xã, phường với mức chi không quá 20.000.000 đồng/xã, phường/năm để tổ chức sinh hoạt, các hoạt động tuyên truyền, tập huấn... và hỗ trợ người được phân công quản lý, theo dõi người có nguy cơ cao nghiện ma túy với mức 350.000 đồng/tháng/đối tượng. Nguồn kinh phí triển khai thực hiện chính sách dự phòng nghiện và tái nghiện ma túy hơn 6,4 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.
Năm 2021, Đà Nẵng thực hiện Luật Phòng, chống ma túy và Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.
Nếu trước đây, việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng do Tổ công tác cai nghiện tại xã, phường thực hiện thì hiện nay, Luật Phòng, chống ma túy quy định: Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng với sự hỗ trợ chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, đồng thời chỉ có 1 hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Nghị định số 116/NĐ-CP cũng quy định: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện quyết định đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, Nghị định số 116/NĐ-CP có nhiều điểm mới, thể chế hóa Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện nghị định tại Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và cơ sở hạ tầng. Do đó, việc tổ chức hội nghị này là rất cấp thiết, nhằm nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để triển khai Nghị định số 116/NĐ-CP hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị, sau hội nghị này, các ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ để tổ chức triển khai Nghị định số 116/NĐ-CP trên cơ sở bám sát các nguyên tắc và phù hợp tình hình thực tế. Cùng với đó, tổ chức thực hiện các nội dung Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 5-4-2022 của UBND thành phố về triển khai thực hiện Nghị định số 116/NĐ-CP.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp các ngành tham mưu UBND Thành phố thay thế Quyết định 46/2019/QĐ-UBND về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy; tham mưu thay thế Nghị quyết 334/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố và chính sách xã hội hóa đối với cơ sở cai nghiện tự nguyện.
Ngành y tế tổ chức tập huấn cho các trạm y tế xác định tình trạng nghiện ma túy; đồng thời cân nhắc nội dung đầu tư cơ sở quản lý cai nghiện, cắt cơn nghiện tại Trung tâm y tế các quận, huyện, từ đó tham mưu thành phố về hiệu quả của cách làm này. UBND các quận, huyện có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định số 116/NĐ-CP ở địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Minh Trang