Đã triển khai các biện pháp bảo hộ công dân bị lừa đảo bán sang Campuchia

06/09/2022 19:12

(Chinhphu.vn) - Thời gian tới, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia phối hợp với bộ, ngành và các địa phương tiếp tục làm công tác bảo hộ công dân, người lao động Việt Nam để giảm tình trạng này.

Đã triển khai các biện pháp bảo hộ công dân bị lừa đảo bán sang Campuchia - Ảnh 1.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ: Công tác rất quan trọng là tuyên truyền cho người dân ở trong nước để tránh tình trạng bị lừa đảo sang Campuchia - Ảnh: VGP

Trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 6/9, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Bộ Công an đã chỉ đạo cảnh sát hình sự, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục An ninh mạng, công an địa phương, đặc biệt là công an các địa phương giáp Campuchia, phối hợp cùng bộ đội biên phòng tiến hành điều tra, xác minh đường dây buôn người sang Campuchia và bước đầu kết quả điều tra tương đối tốt.

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết thêm, thời gian vừa qua, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các địa phương, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới Campuchia và phối hợp với các cơ quan chức năng của Campuchia xác minh thông tin, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.

Các cơ quan đại diện của chúng ta đã lập các đội công tác chuyên trách để hỗ trợ công dân, đăng các cảnh báo trên các trang thông tin điện tử cũng như trên tài khoản mạng xã hội của cơ quan đại diện, thiết lập đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận thông tin đề nghị hỗ trợ.

Hiện không có số liệu chính xác số lượng người Việt Nam đang bị lừa đảo bán sang Campuchia.

Tuy nhiên cho đến nay các cơ quan đại diện của chúng ta phối hợp cứu thoát và đưa khoảng 600 công dân về nước an toàn và hỗ trợ thủ tục cho nhiều người khác.

Thời gian tới, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia phối hợp với bộ, ngành và các địa phương tiếp tục làm công tác bảo hộ công dân, người lao động Việt Nam để giảm tình trạng này.

Tuy nhiên một công tác rất quan trọng là tuyên truyền cho người dân ở trong nước để tránh tình trạng bị lừa đảo sang Campuchia, trong đó có vai trò rất quan trọng của báo chí.

Vì thế, các cơ quan chức năng rất mong báo chí thời gian tới tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ bằng cách đưa tin cảnh báo người dân về những rủi ro có thể bị lừa bán sang Campuchia và các nước khác.

Trước đó, Bộ Công an đã đưa ra cảnh bảo trước tình trạng người dân bị lừa sang Campuchia lao động, làm “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng… Theo Bộ Công an, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (zalo, facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao. Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo...trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.

Vĩnh Hoàng

}
Top