Đại biểu Quốc hội lo ngại về thuốc lá thế hệ mới

24/03/2021 17:53

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về tác hại của thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), đề xuất nghiên cứu việc cấm loại thuốc lá này.

Theo nhiều chuyên gia, hút thuốc lá điện tử là điều kiện thuận lợi để người hút sử dụng ma túy. Ảnh minh họa

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng: “Các loại thuốc này nhắm tới giới trẻ, thúc đẩy họ sa vào con đường nghiện ngập, gặm nhấm tinh anh của họ...”. Vì lẽ này, đại biểu đề nghị dự thảo Luật phải “tạo ra một vaccine đủ mạnh để bảo vệ thế hệ trẻ”.

Dẫn chứng các phóng sự nói về tác hại của thuốc lá điện tử, với các thành phần chứa nicotin, thuốc lá điện tử có khả năng gây nghiện và độc hại như thuốc lá truyền thống, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn khi người dùng pha trộn các chất khác nhau, thậm chí cần sa, ma túy vào để sử dụng; đồng thời kiến nghị nghiêm cấm tuyệt đối sản xuất, nhập khẩu, lưu thông thuốc lá điện tử.

Đồng thời đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ quan ngại về thực trạng lái xe sử dụng ma tuý, gây ra những hậu quả nặng nề, thảm khốc. Theo đại biểu, bên cạnh việc kiểm tra sức khoẻ định kỳ (có xét nghiệm ma tuý) cần áp dụng hình thức kiểm tra đột xuất với địa điểm lấy mẫu thay đổi như tại cơ sở y tế, cơ quan thậm chí ngay trên đường, để kịp thời phát hiện các hành vi sai trái liên quan đến sử dụng ma tuý của lái xe...

Liên quan nội dung kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy, Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nêu thực tế, hiện nay các đối tượng lợi dụng hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy để chiết xuất ma túy tổng hợp, do đó việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động hợp pháp liên quan đến chất ma túy là cần thiết.

“Quy định của dự thảo còn một số bất cập khi trách nhiệm quản lý nhà nước về ma túy của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thực sự rõ nét. Do đó, đề nghị làm rõ phạm vi trách nhiệm của từng cơ quan trong công tác quản lý chất ma túy”, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cũng đề nghị Luật quy định phải có sự tham gia, ý kiến của cha mẹ, người giám hộ trong quá trình lập hồ sơ đưa đi cai nghiện để bảo đảm quyền lợi của trẻ em và người chưa thành niên .

Vẫn theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, việc bố trí các khu vực riêng cho các đối tượng khác nhau (nam, nữ; người mắc bệnh truyền nhiễm; người đang chịu trách nhiệm hình sự…) tại các cơ sở tự nguyện cũng phải được quy định rõ.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) đề nghị cần cân nhắc việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, bởi hình thức này chưa thực sự hiệu quả, người nghiện có thể dễ dàng tiếp cận với ma túy.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) lại cho rằng, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng còn gặp khó khăn do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất…, nhưng đây là phương pháp giúp người nghiện không bị cách biệt khỏi cộng đồng, đồng thời nhận được sự giúp đỡ, động viên của gia đình trong quá trình cai nghiện.

Tiếp thu một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với những cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong những năm qua, nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11 này.

}
Top