Đắk Lắk: Lồng ghép dịch vụ chăm sóc, điều trị, dự phòng với tư vấn xét nghiệm HIV

02/06/2021 14:29

(Chinhphu.vn) - Tư vấn, xét nghiệm HIV để phát hiện tình trạng bệnh và chuyển tiếp người bệnh đến các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS kịp thời tùy theo tình trạng nhiễm HIV sẽ giúp người bệnh sớm cải thiện sức khỏe, ổn định cuộc sống.

 Xét nghiệm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: TTKSBT

Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 2.500 trường hợp nhiễm HIV. Trong 3 tháng đầu năm 2021, bộ phận tư vấn xét nghiệm HIV thuộc Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã tư vấn xét nghiệm cho 93 trường hợp; qua đó phát hiện 11 trường hợp dương tính với HIV. Tất cả các trường hợp dương tính đều được trả kết quả trong ngày hoặc hẹn trong thời gian sớm nhất và được chuyển gửi đến cơ sở điều trị thành công. Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính HIV đều được cán bộ y tế tư vấn cách phòng tránh và dự phòng can thiệp giảm tác hại (phát bao cao su, bơm kim tiêm…), đồng thời cung cấp các tài liệu truyền thông về phòng chống HIV/AIDS để hạn chế lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng.

Trên thực, nhiều người dù đã nhiễm HIV nhưng không biết tình trạng nhiễm HIV dẫn đến việc xét nghiệm HIV rất muộn, điều này làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, điều này chứng tỏ sự liên kết giữa dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV với dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS chưa kịp thời. Từ đó, người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus rất muộn, khi đã suy giảm miễn dịch khiến hiệu quả điều trị kém và tiếp tục làm lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Việc kết nối liên tục từ xét nghiệm HIV đến chăm sóc, điều trị và dự phòng giúp giảm thiểu tình trạng mất dấu bệnh nhân trong quá trình theo dõi; giúp bệnh nhân nhận được nhiều can thiệp khác có liên quan trong suốt chuỗi chăm sóc, điều trị và dự phòng HIV liên tục.

Khi người nhiễm HIV được chuyển gửi đến cơ sở chăm sóc điều trị kịp thời, họ sẽ được theo dõi lâm sàng, xét nghiệm và điều trị ARV sớm, giảm đến 65% nguy cơ mắc lao (người nhiễm HIV không phụ thuộc CD4). Đồng thời điều trị lao tiềm ẩn và điều trị ARV có thể giảm đến 97% nguy cơ mắc bệnh lao ở người nhiễm HIV. Đối với lây truyền từ mẹ sang con, nếu không có bất cứ can thiệp dự phòng nào thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30% - 45%. Nhưng nếu phụ nữ nhiễm HIV được điều trị ARV sớm thì sẽ giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể dưới mức 2%.

Điều trị ARV sớm, nhanh, trong ngày có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm lây truyền HIV trong cộng đồng, giúp kéo dài cuộc sống cho người bệnh, người nhiễm còn được bảo vệ sức khỏe, lao động bình thường và giảm được chi phí điều trị. Ngoài ra, khi tiếp cận dịch vụ chăm sóc điều trị,  người nhiễm HIV được điều trị và dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội, dự phòng mắc lao, được tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ hỗ trợ về kinh tế xã hội khác như trại trẻ mồ côi, hỗ trợ việc làm, tư vấn pháp luật…

Các trường hợp có kết quả xét nghiệm HIV âm tính sẽ được đánh giá về nhu cầu hỗ trợ sức khỏe, đặc biệt là đánh giá về nguy cơ lây nhiễm HIV để được chuyển đến các dịch vụ phù hợp về chăm sóc, điều trị và dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), nhất là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Dịch vụ này sẽ giúp người có kết quả xét nghiệm âm tính HIV duy trì được tình trạng không nhiễm HIV lâu dài hoặc giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm HIV cho bản thân. Với những lợi ích nói trên, những người có hành vi nguy cơ cao cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm nhằm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV và kịp thời được tiếp cận các dịch vụ sau tư vấn, xét nghiệm. 

Để ngăn ngừa và giảm số người nhiễm HIV trong cộng đồng, thời gian tới ngành Y tế địa phương tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại như: Cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K); tăng cường truyền thông về nguy hại của virus HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ để khuyến khích người có nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình điều trị Methadone.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời tìm hướng giúp đỡ các bệnh nhân mắc HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn được sử dụng thuốc ARV thông qua bảo hiểm xã hội.
}
Top