Đắk Lắk: Phát huy tối đa hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng trong phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm

18/05/2021 17:32

(Chinhphu.vn) – Bên cạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, phát huy tối đa hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet vào công tác tuyên truyền; đặc biệt chú trọng tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

 Khám sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TTKSBT

Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, mở rộng điều trị dự phòng ARV (PrEP) cho các nhóm nguy cơ cao; đa dạng và mở rộng tư vấn xét nghiệm HIV để kịp thời phát hiện, điều trị, hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng; phấn đấu nâng số lượng bệnh nhân được điều trị ARV, bảo đảm trên 95% bệnh nhân được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế; tổ chức các hoạt động nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và vận động người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện, gắn với thường xuyên rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng ma túy nhằm đánh giá tình hình người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy.

Tổng kết công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa công tác cai nghiện, tạo điều kiện cho người đã cai nghiện được học nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện có hiệu quả mô hình điểm hỗ trợ, tư vấn đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng trên đại bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trên địa bàn tỉnh gần 2.500 trường hợp nhiễm HIV, 1.431 bệnh nhân AIDS và 479 người tử vong do AIDS. Đều đặn hằng tháng các bệnh nhân đến khám, xét nghiệm và điều trị bằng thuốc ARV. Có những bệnh nhân đã điều trị nhiều năm hiện vẫn mạnh khỏe và có cuộc sống như những người bình thường khác.

Để góp phần ngăn ngừa và giảm số người nhiễm HIV trong cộng đồng, thời gian vừa qua, địa phương đã đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại như: Cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K); tăng cường truyền thông về nguy hại của virus HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ để khuyến khích người có nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng trước phơi nhiễm; tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình điều trị Methadone.

Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh phối hợp với các ban, ngành đoàn thể trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng chống HIV/AIDS bằng nhiều hình thức. Trong 9 tháng năm 2020, đã tổ chức 9.782 lượt truyền thông trực tiếp cho 1.342.404 lượt người.

Về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, ma túy, trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số tụ điểm và đối tượng hoạt động mại dâm được triệt phá là 31 tụ điểm với 171 đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm; địa phương đã khởi tố hình sự 20 vụ với 29 đối tượng, xử lý hành chính 73 đối tượng.

Ngoài ra, Đội kiểm tra liên ngành 178 đã tiến hành tổ chức kiểm tra 80 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Qua kiểm tra Đội Kiểm tra liên ngành 178 đã tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan tới hoạt động đối với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, kịp thời hướng dẫn các đơn vị tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Đồng thời phát hiện những hành vi vi phạm, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tính đến cuối năm 2020, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ điều trị, cai nghiện phục hồi tái hòa nhập cộng đồng là 1.193 người, đạt tỷ lệ 108% so với chỉ tiêu Kế hoạch của UBND tỉnh giao (1.193/1.106 người).  Trong đó, điều trị bằng thuốc thay thế Methadone là 283 người, cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở: 454 người, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án: 398 người; cai nghiện tự nguyện tại gia đình cộng đồng: 58 người; cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng không có kết quả.

Bên cạnh đó, các đơn vị đã hỗ trợ  người cai nghiện và người sau cai nghiện ma tuý được học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi. Tính đến cuối năm 2020, 100% số người nghiện ma tuy đang quản lý, cai nghiện phục hồi được bố trí học nghề lao động trị liệu, tương đương 1.036 lượt người. 17% số người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng được dạy nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp (chủ yếu là trồng trot, chăm sóc cây cà phê; may mặc dân dung), tương đương 100 người. Cùng với đó, tỉnh còn tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở trên địa bàn tỉnh và có các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng này có để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Top