Đắk Lắk: Thí điểm mô hình điểm tư vấn, hỗ trợ người nghiện, người bán dâm
Mục tiêu của mô hình là nhằm xây dựng, vận hành mô hình cung cấp đa dạng các dịch vụ công tại cộng đồng đối với người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán dựa trên bằng chứng, phù hợp, thân thiện, dễ tiếp cận, đảm bảo các quyền của người yếu thế trong xã hội.
Đắk Lắk là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của vùng Tây Nguyên. Những năm qua cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, tỉnh đã có nhiều giải pháp tập trung đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm và mua bán người đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận...
Điểm sáng về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ nguồn lực từ các Bộ, ngành ở Trung ương bước đầu công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả nhất định, tốc độ gia tăng người nghiện ma tuý, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán và nguồn lây nhiễm HIV/AIDS được kìm hãm, có kiểm soát và không để phát sinh các điểm nóng, phức tạp. Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và người nghiện ma túy năm sau đạt kết quả cao hơn năm trước. Tính đến tháng 12 năm 2019, toàn tỉnh có 1.814 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, 2.368 người số người nhiễm HIV (số lũy kế) và có 18 nạn nhân bị mua bán được giải cứu.
Cùng với đó, trong năm 2019, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 238 vụ với 328 đối tượng và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 837 trường hợp, tăng 367 trường hợp so với năm 2018. Số người được sàng lọc, chuẩn đoán, xét nghiệm chất ma túy là 10.048 lượt người. Số người nghiện ma túy tham gia, tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, điều trị cai nghiện chiếm 60% trong tổng số người có hồ sơ quản lý (1.096/1.814người), trong đó cai nghiện bắt buộc chiếm 19%, cai nghiện tự nguyện theo hợp đồng dịch vụ chiếm 27% và điều trị bằng thuốc thay thế Methadone chiếm 14%.
Học viên Cơ sở Điều trị cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk trong giờ lao động trị liệu
Ngoài ra, tỉnh còn phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn mại dâm được tăng cường, chủ động triển khai thực hiện. Năm 2019, toàn tỉnh đã xử lý, triệt phá 19 điểm, tụ điểm mại dâm, bắt 87 đối tượng (19 chủ chứa, môi giới, 34 người bán dâm, 34 người mua dâm). Tổ chức 21 lượt thanh tra, kiểm tra đối với 105 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, phát hiện và xử lý hành chính đối với 17 cơ sở, nhắc nhở, tuyên truyền 88 cơ sở. Trong 5 năm (2015-2019), toàn tỉnh có 18 người thuộc nạn nhân của tội phạm hoạt động mua bán người đã được các cơ quan chức năng giải cứu, hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng tại các địa phương.
Bên cạnh một số kết quả đạt được, Công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn khá khiêm tốn so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Tội phạm liên quan đến ma túy, người nghiện ma túy và người lây nhiễm HIV được phát hiện tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, 10/15 huyện, thị xã, thành phố có tệ nạn mại dâm và nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Số người nghiện ma túy, lây nhiễm HIV tuy được kìm hãm, kéo giãn nhưng có xu hướng tiếp tục lây lan, tăng mới qua hàng năm (Người nghiện ma túy, năm 2015: 1.361 người, năm 2019: 1.814 người. Người lây nhiễm HIV, năm 2015: 2.092 người thì đến năm 2019: 2.368 người). Tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh còn phức tạp, biến tướng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi gây không ít khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý, các vụ việc về hoạt động mại dâm.
Tội phạm, tệ nạn mua bán người có bằng chứng xuất hiện tại địa bàn tỉnh từ năm 2015, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định về an ninh trật tự, xâm hại trực tiếp đến nhân phẩm, tính mạng người dân với tính chất, thủ đoạn tinh vi xảo quyệt và lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường và xã hội, sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc, khống chế và bán nạn nhân vào các động mại dâm, lấy chồng bất hợp pháp, cưỡng bức lao động,…ở nước ngoài.
Đến thí điểm mô hình Điểm tư vấn cộng đồng
Theo ông Hoàng Công Vỹ, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội của địa phương trong những năm qua, thì vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Chính vì vậy, để công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội có hiệu quả, trong thời gian qua, Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu cho Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk trình UBND tỉnh Đề án thí điểm mô hình thành lập Điểm tư vấn, hỗ trợ người nghiệm ma túy, người bán dâm trên địa bàn tại Công văn số 628/UBND-KGVX ngày 22/01/2019 và đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu của mô hình này là nhằm xây dựng, vận hành mô hình cung cấp đa dạng các dịch vụ công tại cộng đồng đối với người cai nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán dựa trên bằng chứng, phù hợp, thân thiện, dễ tiếp cận, đảm bảo các quyền của người yếu thế trong xã hội. Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về ý thức, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong công tác can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người và lây nhiễm HIV/AIDS. Qua đó, làm kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, lây nhiễm HIV và góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Đối tượng tham gia thí điểm mô hình này, bao gồm người sử dụng, người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán. Gia đình, người thân của người nghiện ma túy, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán. Đội ngũ cán bộ, công chức chính quyền và đoàn thể các cấp; lực lượng bán chuyên trách cấp cơ sở, bao gồm mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên, cộng tác viên. Lực lượng cán bộ chuyên trách về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người và lây nhiễm HIV/AIDS; đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, điều trị, dự phòng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế của lực lượng vũ trang, cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề…
Về thời gian triển khai mồ hình thí điểm bắt đầu từ năm 2020 - 2025. Trong đó, năm 2020 đối tượng yếu thế có nhu cầu được cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, chuyển gửi, dự phòng, giảm hại, hòa nhập cộng đồng,…và đến năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Người dân ở độ tuổi trưởng thành được tuyên truyên, phổ biến chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; hiểu biết các biện pháp, mô hình giảm tác hại, phòng ngừa, hòa nhập cộng đồng, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và tham gia phong trào toàn dân lên án, phát hiện, tố giác tội phạm, TNXH, từ năm 2020 đạt 50% và đến năm 2025 là 100%.
Số xã, phường, thị trấn được tiếp cận, tương tác, cập nhật thông tin trên môi trường mạng và hạ tầng kỹ thuật truyền thông (website, hotline, panô, áp phích…) đạt 75% trong năm 2020 và đến năm 2025 đạt 100%. Cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp có nhu cầu tư vấn, bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo tổng quan chính sách, pháp luật về PCTNXH. Cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước; tổ chức chính trị - xã hội ở các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn có nhu cầu tư vấn, bối dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức về can thiệp, hỗ trợ, dự phòng, giảm hại và hòa nhập cộng đồng đạt 100% kế hoạch năm 2025…
Về địa điểm để triển khai mô hình Điểm tư vấn đặt tại số 02, đường Đồng Khởi, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột. Đồng thời, đây cũng là nơi kết nối các thông tin, hoạt động của Điểm tư vấn với cộng đồng dân cư thông qua mạng lưới 184 áp phích được lắp đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị của Mô hình điểm tư vấn được UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để làm các trang thiết bị tối thiểu đảm bảo hoạt động tư vấn, hỗ trợ tại cộng đồng.
Hoạt động của Điểm tư vấn cộng đồng của tỉnh sẽ lồng ghép với các hoạt động cung cấp các dịch vụ công không thu phí về các lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội (tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người và HIV/AIDS), bao gồm: Truyền thông, giáo dục, tư vấn về phòng ngừa, giảm tác hại, hòa nhập cộng đồng. Hỗ trợ quản lý về an ninh, trật tự và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện. Tư vấn, chuyển gửi, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, y tế, tâm lý, pháp lý, học văn hóa, học nghề, vay vốn, dạy nghề, việc làm và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, lồng ghép hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn là Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh với hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ (dịch vụ công) của Điểm tư vấn cộng đồng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao Sở LĐTB&XH tỉnh là cơ quan chủ trì, chỉ đạo mọi hoạt động của Điểm tư vấn cộng đồng; Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội là cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý triển khai, thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, vận hành Điểm tư vấn.
Để mô hình thí Điểm đi vào hoạt động có hiệu quả, UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở LĐTB&XH tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thí điểm thành lập Điểm tư vấn, hỗ trợ đối với người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng.
Đồng thời, chỉ đạo toàn diện mọi hoạt động và quyết định, lựa chọn nhân sự theo vị trí việc làm tại Điểm tư vấn; quản lý, điều phối các nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch. Tổng kết, đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Kế hoạch và đề xuất phát triển, mở rộng loại hình tư vấn, hỗ trợ người nghiện ma túy, người bán dâm và nạn nhân bị mua bán trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao những biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại và hỗ trợ đối tượng yếu thế tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Theo LĐ&XH