Đắk Nông: Khuyến khích xã hội hóa mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện

16/05/2017 15:19

Một trong những mục tiêu mà tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng, đó là khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện theo hướng xã hội hóa trên địa bàn tỉnh.

Cai nghiện ma túy giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2016, tổng số người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 427 người. Trong số người nghiện có hồ sơ quản lý nói trên, 92,5% sử dụng heroin; 6,8% sử dụng ma túy tổng hợp. Hình thức hút, hít chiếm 27%; tiêm chích chiếm 73%. Lứa tuổi trong độ tuổi lao động là chính, từ 18-30 chiếm 31%.

Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã đưa được 173 người nghiện gửi vào cai nghiện tại Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 1 (Trường 1), thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong TPHCM nằm ở địa bàn huyện Tuy Đức. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định số 221 ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn một số bất cập. Vì vậy, việc gửi người nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc từ năm 2014 đến nay chưa triển khai thực hiện được.

Trên cơ sở ký kết thỏa thuận giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh và Trường 1, việc gửi người nghiện thuộc diện áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có thể tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2017-2018.

Về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, hiện nay, tỉnh cũng chỉ mới tập trung mở rộng, phát triển các điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

Căn cứ vào tình hình, điều kiện của địa phương, tỉnh nghiên cứu thành lập cơ sở cai nghiện đa chức năng để định hướng công tác cai nghiện trên địa bàn. Người nghiện ma túy khi có quyết định của tòa án áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc bảo đảm đều có cơ sở cai nghiện để thi hành quyết định.

Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển mạng lưới cơ sở cai nghiện tự nguyện theo hướng xã hội hóa nhằm huy động các tập thể, cá nhân đóng góp cho công tác cai nghiện ma túy. Các loại hình cơ sở cai nghiện sẽ được đa dạng hóa để người nghiện tiếp cận với các dịch vụ cai nghiện ma túy theo nhu cầu.

Định hướng đến năm 2030, tỉnh duy trì một cơ sở cai nghiện đa chức năng để thực hiện tiếp nhận các đối tượng nghiện thuộc diện bắt buộc và tự nguyện. Căn cứ tình hình thực tế về số lượng người nghiện ma túy, vị trị địa lý, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, tỉnh sẽ thành lập thêm các điểm “vệ tinh” thuộc cơ sở cai nghiện đa chức năng tại các huyện, thị xã để tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cai nghiện.

Kêu gọi đẩy mạnh xã hội hóa bằng việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập từ 1-2 cơ sở điều trị nghiện tự nguyện tại các huyện, thị xã có số lượng người nghiện nhiều.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng của tỉnh nhằm đa dạng các loại hình cai nghiện, đáp ứng nhu cầu điều trị nghiện cho người nghiện trên toàn tỉnh.
Top