Đánh giá kỹ lưỡng việc bỏ cần sa khỏi danh mục ma tuý đặc biệt nguy hiểm
Mới đây, Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma tuý lần thứ 41 (ASOD 41) đã diễn ra theo hình thức hội nghị trực tuyến.
Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma tuý lần thứ 41 |
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Hội nghị lần này đã thảo luận, đưa ra quan điểm của mỗi nước ASEAN đối với những khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc đưa cần sa và các chiết xuất từ cần sa ra khỏi danh mục kiểm soát các loại ma tuý đặc biệt nguy hiểm của Liên Hợp Quốc (Bảng I của Công ước 1961).
Về vấn đề này, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia bày tỏ quan điểm không đồng thuận với các khuyến nghị của WHO đồng thời đề nghị, kêu gọi các nước cần thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định về việc bỏ phiếu các khuyến nghị nêu trên của WHO tại phiên họp giữa kỳ của Uỷ ban kiểm soát ma tuý Liên Hợp Quốc lần thứ 63, tổ chức vào ngày 2/12/2020 theo hình thức trực tuyến.
Việc đồng thuận với các khuyến nghị của WHO có thể sẽ làm suy yếu hệ thống chính sách kiểm soát quốc tế đối với cần sa, gây ra sự hiểu nhầm rằng cần sa không phải là loại ma tuý đặc biệt nguy hiểm cần kiểm soát chặt chẽ như trước đây, từ đó dẫn đến tình trạng sử dụng và lạm dụng cần sa trên toàn thế giới.
Riêng Thái Lan, do luật pháp nước này đã quy định cho phép nghiên cứu sử dụng cần sa vào mục đích y tế từ năm 2016 đến nay do đó Thái Lan cũng bày tỏ sẽ chia sẻ các kinh nghiệm, công trình nghiên cứu khoa học về những lợi ích của việc sử dụng cần sa vào y học để các nước trong khu vực tham khảo, từ đó sẽ có sự đánh giá khách quan, toàn diện hơn về vấn đề này.
Kết thúc Hội nghị, các nước ASEAN tuy rằng không đưa ra được sự đồng thuận, thống nhất quan điểm chung đối với các khuyến nghị của WHO về cần sa nhưng vẫn tái khẳng định sự quyết tâm, hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên trong các khuôn khổ, sáng kiến hợp tác nhằm mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN không ma tuý.
ASOD là cơ chế Hội nghị hợp tác cấp Quan chức cấp cao ASEAN về vấn đề ma tuý được duy trì hiệu quả, thường niên từ năm 1990 đến nay.
Trong năm qua, các nước ASEAN tiếp tục phải đối mặt với tình hình ma tuý diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức đặt ra với lực lượng chức năng mỗi nước trong việc phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Xu hướng mua bán, vận chuyển ma tuý trái phép qua đường hàng không, đường biển, bưu điện trong khu vực đang gia tăng, đặc biệt tình trạng mua bán ma tuý trái phép qua các trang mạng trực tuyến cũng dần trở nên phổ biến trong giới trẻ, điển hình là một số nước như Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Các quốc gia trong khu vực cũng đã triệt phá nhiều đường dây, tụ điểm sản xuất ma tuý trái phép hình thành giữa sự móc nối của các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với các đối tượng trong nước tạo thành trong đó có Myanmar, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Khu vực ASEAN hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng cao về trồng cây có chứa chất ma tuý so với thế giới, với tổng diện tích trồng cây có chứa chất ma tuý vào khoảng hơn 36.100 ha, sản lượng năm 2018 đạt khoảng 520 tấn.