Đẩy mạnh giải pháp ứng phó với những thách thức mới trong phòng, chống HIV/AIDS

30/12/2024 15:16

(Chinhphu.vn) - Hướng tới đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 và để ứng phó với những thách thức mới trong phòng, chống HIV/AIDS, ngành y tế sẽ tăng cường giáo dục cộng đồng, mở rộng dịch vụ y tế và đẩy mạnh các hoạt động để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Số nhiễm mới HIV tại Việt Nam đã giảm khoảng 60%

Hiện nay, số nhiễm mới HIV tại Việt Nam đã giảm khoảng 60% so với năm 2010. Đây là một thành tựu vượt xa mức giảm trung bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Tuy nhiên, dịch HIV vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các nỗ lực không ngừng để đạt mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Đẩy mạnh giải pháp ứng phó với những thách thức mới trong phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, bao gồm giảm số người nhiễm mới HIV, giảm chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm tử vong do AIDS.

Những sáng kiến nổi bật như xét nghiệm và điều trị ARV trong ngày, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị nghiện bằng methadone, chương trình bơm kim tiêm sạch, bao cao su, và mô hình "K=K (Không phát hiện = Không lây truyền)" đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Đặc biệt, Việt Nam đã triển khai rộng rãi các hoạt động xét nghiệm HIV với hơn 2 triệu lượt xét nghiệm, đồng thời quản lý và điều trị ARV cho hơn 176.000 bệnh nhân.

Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone cũng đạt hiệu quả cao với hơn 46.500 người được hỗ trợ. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý dịch HIV thông qua hệ thống HIV-INFO và HMED đã giúp theo dõi và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn.

Những thành tựu này không chỉ giúp Việt Nam vượt xa mức giảm trung bình 39% trên toàn cầu mà còn cho thấy sự quyết tâm trong phòng, chống HIV/AIDS.

Thách thức từ diễn biến phức tạp của dịch HIV/AIDS

Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy nhiên tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, trong năm 2024, hơn 68% trường hợp nhiễm HIV mới được ghi nhận tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, lây truyền qua đường tình dục chiếm trên 80% tổng số ca nhiễm mới, với tỷ lệ gia tăng đáng kể trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và người chuyển giới.

Nhóm tuổi từ 15-29 tiếp tục là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới, và hơn 80% trong số này là nam giới. Xu hướng lây nhiễm ở các tỉnh không phải trọng điểm cũng bắt đầu tăng, kéo theo các hành vi nguy cơ cao như sử dụng ma túy tổng hợp, "chemsex", và quan hệ tình dục tập thể.

Ngoài ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV vẫn tồn tại, cùng với nhận thức cộng đồng về HIV/AIDS còn thấp. Đây là những rào cản lớn khiến các nhóm nguy cơ cao khó tiếp cận dịch vụ phòng chống và điều trị HIV.

Hướng tới mục tiêu bảo đảm bền vứng kết quả phòng, chống HIV/AIDS

Việt Nam đang nỗ lực tăng cường, huy động nguồn lực tài chính từ trong và ngoài nước để bảo đảm bền vững kết quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, bên cạnh nguồn tài trợ quốc tế, các nguồn lực trong nước như ngân sách địa phương, quỹ bảo hiểm y tế, và đóng góp từ khu vực tư nhân đã đạt khoảng 45% tổng tài chính cần thiết.

Việc chuyển đổi chương trình điều trị ARV sang quỹ bảo hiểm y tế là một bước tiến quan trọng. Hiện tại, 96% bệnh nhân điều trị ARV đã có thẻ bảo hiểm y tế, giúp bảo đảm quyền lợi điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 5-7% bệnh nhân điều trị tại khu vực tư nhân do lo ngại tiết lộ danh tính. Điều này đặt ra nhu cầu tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường bao phủ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế đang đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản hướng dẫn về định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ phòng chống HIV/AIDS. Đây là cơ sở để các địa phương lập dự toán kinh phí và phê duyệt kế hoạch tài chính nhằm đạt mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.

Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, thể hiện qua các chương trình hiệu quả và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, để bảo vệ thành quả này và ứng phó với những thách thức mới, cần triển khai đồng bộ các biện pháp từ tăng cường giáo dục cộng đồng, mở rộng dịch vụ y tế đến giảm kỳ thị, phân biệt đối xử.

PGS.TS Phan Thị Thu Hương cho biết, trong thời gian tới, việc huy động thêm nguồn lực tài chính, đẩy mạnh các sáng kiến kỹ thuật số và mở rộng các chương trình dự phòng như PrEP và methadone sẽ là yếu tố quyết định giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Những nỗ lực này không chỉ mang lại lợi ích cho người nhiễm HIV mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng sẽ được chú trọng, đặc biệt nâng cao nhận thức cho giới trẻ. Theo PGS.TS Phan Thị Thu Hương, truyền thông nâng cao nhận thức cho giới trẻ về HIV/AIDS có thể coi là yếu tố then chốt trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, và việc này cần được thực hiện lâu dài và có chiến lược. Do vậy cần đầu tư và chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng truyền thông; Tận dụng công nghệ: Đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Instagram, YouTube) và các kênh trực tuyến mà giới trẻ ưa chuộng.

Chúng ta cũng nên tạo nội dung gần gũi như sử dụng ngôn ngữ phù hợp, hình thức hấp dẫn như video, infographic, meme, và các câu chuyện có thật. Đồng thời, tích hợp trong giáo dục, đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình giáo dục chính khóa và ngoại khóa, đặc biệt trong giáo dục giới tính.

Tăng cường tiếp cận thông tin như tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, hoặc sự kiện truyền thông về phòng chống HIV/AIDS tại trường học, cộng đồng với nội dung hấp dẫn, thu hút; Phát triển các ứng dụng, trang web cung cấp thông tin chính thống, tư vấn trực tuyến cho giới trẻ.

Ngoài ra, cần thúc đẩy các hoạt động trải nghiệm, thành lập các nhóm, các câu lạc bộ sinh viên để tuyên truyền về HIV/AIDS; tạo sân chơi kết hợp giáo dục, như các cuộc thi tìm hiểu, cuộc thi sáng tạo các chủ đề, thi hùng biện về HIV/AIDS… Đồng thời, bảo đảm dịch vụ hỗ trợ như cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho giới trẻ; phổ biến và bảo đảm khả năng tiếp cận với các biện pháp dự phòng như bao cao su, PrEP… Như vậy, yếu tố quyết định thành công:= cần có các chiến lược nâng cao nhận thức, giáo dục cộng đồng nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.

Cụ thể, khuyến khích giới trẻ tham gia lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá các chương trình truyền thông; gia đình cần mở lòng trò chuyện và định hướng sớm cho con cái về sức khỏe tình dục; nhà trường cần tạo môi trường học tập thân thiện, không kỳ thị và đưa giáo dục giới tính vào chương trình học; xóa bỏ rào cản tâm lý để giới trẻ thoải mái tìm kiếm thông tin và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến HIV/AIDS…

Thùy Chi

hiv
}
Top