Đẩy mạnh truyền thông để hướng tới kết thúc dịch AIDS

17/11/2022 17:05

(Chinhphu.vn) - Chiều 17/11, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức gặp mặt báo chí nhân Tháng Hành động phòng, chống HIV/AIDS (10/11-10/12) và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12).

Đẩy mạnh truyền thông để hướng tới kết thúc dịch AIDS - Ảnh 1.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) thông tin cho báo chí về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Tại buổi gặp mặt, Ths. Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Phòng Giám sát và Xét nghiệm cho biết, tính đến thời điểm hiện tại ước tính số người nhiễm HIV trên toàn quốc khoảng 242.000 trường hợp, số xét nghiệm đang báo cáo hiện mắc là 220.580 trường hợp.Từ 1990 đến nay, số nhiễm HIV/AIDS tử vong lũy tích là 112.368.

Riêng trong 9 tháng đầu năm phát hiện 9.025 trường hợp, trong đó 1.378 tử vong. Số phát hiện nhiễm nhiều tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM (28%), đồng bằng sông Cửu Long (26%).

Về hình thái lây nhiễm, tỉ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Xu hướng ca phát hiện là nam giới chiếm khoảng 84%-86%. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỉ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm trở thành đường lây chính. Chiều hướng nam giới trong nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV có xu hướng giảm từ năm 2012 đến nay. Hiện nhóm này chỉ chiếm 9%. Trong khi đó, số nhiễm mới HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiều hướng tăng mạnh, hiện chiếm 47%.

Về khó khăn, thách thức, hiện dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM và các can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận.

Bên cạnh đó, việc mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm gặp nhiều vướng mắc, nên xảy ra thiếu thuốc cục bộ và một số địa phương không có sinh phẩm xét nghiệm. Ngoài ra, nghiện các chất ma túy tổng hợp và ma túy dạng kích thích đang gia tăng, chưa có thuốc điều trị nghiện cũng như hướng dẫn chi trả cho xác định tình trạng nghiện.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, vào những năm 2017-2018, dịch HIV xuống gần 10.000 ca mỗi năm, những dịch đặc biệt tăng vào những năm 2020-2021 khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đáng lưu ý, xu hướng dịch thay đổi gia tăng trong nhóm MSM, do đó cũng cần có những điều chỉnh kịp thời để đáp ứng, ngăn chặn lây nhiễm trong nhóm này và ngành y tế đã kịp thời đưa vào trong chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS, sửa đổi Luật phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường công tác phòng, chống dịch AIDS, những chủ trương, chính sách đã được cập nhật. Quốc hội, Chính phủ đã đưa vào những lộ trình, chiến lược mới để triển khai dự phòng và điều trị cho nhóm MSM.

Để chấm dứt dịch dịch AIDS vào năm 2030, trong thời gian tới ngành y tế hướng tới bảo đảm tài chính: Phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS. Định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; Mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, để chấm dứt được dịch bệnh AIDS, chúng ta cần đạt được sự công bằng. Công bằng và bình đẳng chính là nguyên tắc cốt lõi để giúp người nhiễm HIV tiếp cận điều trị an toàn, hiệu quả.

"Cho đến nay, kỳ thị vẫn là rào cản để chúng ta đạt được các mục tiêu phòng, chống AIDS. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được vấn đề này nhờ đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin để hướng tới kết thúc dịch AIDS và một thế hệ không có HIV/AIDS", ông Eric Dziuban nhấn mạnh.

Thùy Chi

Top