Đề phòng ‘sập bẫy’ kẻ buôn người

07/07/2022 20:20

(Chinhphu.vn) - Các đối tượng buôn người đang lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người để đưa nạn nhân vào bẫy.

Đề phòng ‘sập bẫy’ kẻ buôn người - Ảnh 1.

Nhóm đối tượng mua bán người, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép sang Campuchia bị Công an Đồng Nai bắt giữ vào tháng 6/2022 - Ảnh: Công an Đồng Nai

'Việc nhẹ lương cao' tại Campuchia

Mới đây, BĐBP tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP) giải cứu thành công 7 nạn nhân trong vụ mua, bán người sang Campuchia, đưa họ về xã IaO, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai an toàn.

Các nạn nhân đều bị đối tượng Trần Quang Quyết (SN 2001, trú xã Ia Dal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) lừa bán sang Campuchia trong 2 ngày 20 - 21/6/2022.

Thông qua mạng xã hội Facebook, đối tượng Quyết đã dụ dỗ các nạn nhân vượt biên trái phép sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Các nạn nhân sa bẫy lừa đảo phải làm việc với cường độ cao, bị đánh đập thường xuyên bằng gậy và dây diện, bị dọa bán, giết…

Khi các nạn nhân muốn trở về nhà, các đối tượng đã buộc các nạn nhân báo gia đình chuyển khoản 90 - 150 triệu chi phí "bồi thường hợp đồng lao động".

Ngày 5/7, Đồn Biên phòng Ia O (Biên phòng tỉnh Gia Lai) đã khởi tố vụ án mua bán người, đồng thời chuyển hồ sơ và bàn giao bị can Trần Quang Quyết cho cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.

Không chỉ ở Gia Lai, tình trạng người dân các tỉnh giáp biên với Campuchia bị lừa bán sang Campuchia để làm việc diễn ra phức tạp trong thời gian gần đây.

Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh Tây Ninh đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu của những gia đình sống trên địa bàn có người thân bị lừa sang Campuchia lao động, bị bóc lột, cưỡng bức, nếu muốn trở về Việt Nam thì phải đưa tiền chuộc.

"Các tội phạm này có nhiều dấu hiệu mua bán người, vì khi người lao động sang Campuchia làm việc, nếu chủ công ty thấy không đáp ứng yêu cầu thì họ sẽ bán lại cho những ông chủ khác với giá cao hơn để thu lại tiền và lãi suất mà họ đã trả trước đó. Nếu nạn nhân muốn trở về thì phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền sang chuộc lại. Còn những trường hợp mà gia đình không có tiền chuộc thì các nạn nhân đó sẽ bị trừng phạt theo kiểu xã hội đen", Thượng tá Trần Minh Kiệt, Phó Trưởng phòng An ninh đối ngoại Công an tỉnh Tây Ninh cho biết.

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, việc thông thương giữa Campuchia và Việt Nam được kết nối, một số đối tượng trước đây đã làm việc tại Campuchia thấy việc đưa người sang nước này lao động có thể kiếm được lợi nhuận, nên lừa gạt, đưa người dân sang làm việc tại đây.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo...trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia. 

Buôn người lan ra các đô thị

Tội phạm buôn bán người đã trở thành vấn nạn ở nhiều địa phương, không chỉ xuất hiện ở nông thôn, khu vực biên giới mà còn lan ra các đô thị, trong đó có cả Hà Nội, TPHCM.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TPHCM) cho biết, các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người dân có hiểu biết hạn chế, gia đình khó khăn, thiếu việc làm, thanh niên ăn chơi, đua đòi và các em có tư tưởng muốn thoát ly công việc vất vả, muốn đổi đời để lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, rủ đi du lịch… sau đó bán ra nước ngoài để trục lợi.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây khi công nghệ và mạng xã hội phát triển, đối tượng thường làm quen, tiếp cận từ xa, hướng dẫn nạn nhân tự rơi vào cạm bẫy mua bán người.

Tại Hà Nội, Sở LĐTB&XH Hà Nội đánh giá, hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn Thủ đô tiềm ẩn phức tạp. 

Người dân ở các tỉnh đến TP.Hà Nội tìm việc làm ngày càng tăng. Do vậy, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, massage, tẩm quất...cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, việc thông thương, giao lưu, buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN có nhiều thuận lợi. Đây là những điều kiện cho tội phạm mua bán người hoạt động.

Đáng chú ý, một trong những hình thức phổ biến hiện nay là tội phạm mua bán người lợi dụng vào việc thành lập các công ty có chức năng tuyển dụng cung cấp nhân lực trong nước và nước ngoài hoặc công ty du lịch lữ hành để hoạt động mua bán người.

Tính đến ngày 14/6, các tổ chức xã hội đóng trên địa bàn Hà Nội đã tiếp nhận và hỗ trợ khẩn cấp được 50 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 01 nạn nhân là công dân Hà Nội thuộc huyện Quốc Oai, bị bán sang Lào tháng 9/2021, đến tháng 5/2022 được Cảnh sát Lào giải cứu, bàn giao cho Cục Đối Ngoại và Cục Cảnh sát Hình sự Việt Nam.

Theo báo cáo Công an TP.Hà Nội, trong 6 tháng năm 2022, trên địa bàn Thành phố đã phát hiện và khám phá 2 vụ liên quan đến hoạt động mua bán người xảy ra tại huyện Hoài Đức và Sóc Sơn, bắt giữ 7 đối tượng, giải cứu 4 nạn nhân, trong đó có 2 nạn nhân dưới 16 tuổi, 01 nạn nhân ở quận Ba Đình, Hà Nội; 3 nạn nhân là người ngoại tỉnh.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.Hà Nội đã triệt phá, bắt giữ 01 vụ về hành vi mua bán, chiếm đoạt bộ phận cơ thể người mua bán thận), bắt giữ 4 đối tượng; 01 vụ liên quan đến hoạt động mang thai hộ vì mục đích thương mại, bắt giữ 4 đối tượng.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình phối hợp với cơ quan liên quan điều tra xử lý cũng như hỗ trợ nạn nhân. Đồng thời khuyến cáo người dân cảnh giác với các thủ đoạn của tội phạm mua bán người cũng như những lời mời gọi "việc nhẹ lương cao" tại nước ngoài.

Nếu xảy ra sự việc, nạn nhân hoặc người nhà cần liên hệ cơ quan công an gần nhất để cung cấp thông tin về đặc điểm, hình ảnh, nhận dạng, thời gian, địa điểm, phương thức của đối tượng để công an có cơ sở thuận lợi trong việc điều tra, kịp thời hỗ trợ nạn nhân.

Để công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán người có hiệu quả, ngoài việc nâng cao trách nhiệm của ngành công an trong rà soát, nắm bắt, xử lý các đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động mua bán người, thì chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng như các chủ trương, chính sách pháp luật về thủ tục xuất nhập cảnh, hợp tác lao động với nước ngoài.

Hoàng Giang

}
Top