Đề xuất bố trí nguồn lực phòng, chống mại dâm cho nơi chưa tự cân đối được ngân sách

25/04/2023 16:31

(Chinhphu.vn) - Tại Bắc Giang, tình hình tội phạm, tệ nạn mại dâm luôn biến động theo từng địa bàn, từng thời điểm. Một số địa phương tập trung nhiều công nhân còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng phát sinh tệ nạn mại dâm, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Đề xuất bố trí nguồn lực phòng, chống mại dâm cho nơi chưa tự cân đối được ngân sách - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan: Tỉnh cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mại dâm

Sáng nay 25/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội do đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã giám sát tại UBND tỉnh Bắc Giang chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Đoàn giám sát cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản, quy định chi tiết theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nổi bật là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy được duy trì với nhiều nội dung, hình thức phong phú, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Trong công tác phòng, chống mại dâm, tỉnh luôn quan tâm thực hiện thông qua lồng ghép các chương trình KT-XH tại địa bàn cơ sở. Cụ thể như các huyện, thành phố đều xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình phát triển KT-XH như: Chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng, chống HIV/AIDS…

Toàn tỉnh hiện có 28/209 xã, phường, thị trấn có đối tượng hoạt động bán dâm; 118 đối tượng bán dâm, nghi bán dâm. Tình hình tội phạm, tệ nạn mại dâm luôn biến động theo từng địa bàn, từng thời điểm. Một số địa phương tập trung nhiều công nhân còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng phát sinh tệ nạn mại dâm, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm được duy trì thường xuyên. 100% xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền.

Trong công tác cai nghiện, theo số liệu thống kê, năm 2022, trên địa bàn tỉnh có hơn 2,4 nghìn người nghiện, trong đó có 2,1 nghìn người nghiện đang ở cộng đồng. Tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy còn diễn biến phức tạp; đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm bị phát hiện, xử lý có chiều hướng gia tăng. Lực lượng công an đã bắt giữ, xử lý 349 vụ, 517 đối tượng đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy chưa thật sự huy động được sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể. Hiện chủ yếu lực lượng Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội tham gia công tác quản lý. Nhiều đối tượng nghiện làm ăn xa nhà, thường xuyên thay đổi nơi ở, nơi làm việc dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý.

Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, đồng chí Mai Sơn kiến nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội có ý kiến với các bộ, ngành Trung ương một số nội dung.

Đối với công tác phòng, chống ma túy, đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu tư phát triển để xây dựng mở rộng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương với quy mô cai nghiện cho 500 người.

Có chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cai, điều trị nghiện ma túy ngoài công lập. Sớm đưa chương trình phòng, chống ma túy thành Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với công tác phòng, chống mại dâm, tỉnh kiến nghị rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hoặc đề xuất xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm trên cơ sở Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hiện hành để tăng cường hiệu lực công tác phòng, chống mại dâm trên toàn quốc.

Quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống mại dâm đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác phòng, chống mại dâm làm cơ sở cho địa phương xây dựng dự toán hằng năm.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Đỗ Thị Lan đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền phòng ngừa ma túy và mại dâm. Huy động tốt hơn nữa sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động người nghiện đi cai nghiện.

Thực hiện đúng quy định về việc lập hồ sơ quản lý, hồ sơ đưa người đi cai nghiện bắt buộc và cơ sở uống Methadone, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh với các loại tội phạm ma túy.

Trong công tác phòng, chống mại dâm cần đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, đông công nhân, các đối tượng có nguy cơ cao. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mại dâm, tích cực phát hiện, tố giác và phối hợp với lực lượng công an đấu tranh phòng, chống mại dâm. Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác phòng, chống mại dâm ở cơ sở.

Định kỳ tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm cho lực lượng làm công tác phòng, chống mại dâm các cấp.

Vĩnh Hoàng

Top