Đề xuất cấm khí cười tại khu vui chơi: Vì sự phát triển lành mạnh của một thế hệ!

23/01/2021 16:11

Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu khí N2O và ngăn ngừa hành vi sử dụng N2O cho mục đích vui chơi, giải trí. Đề xuất này nhận được sự đồng thuận của người dân, bởi tình trạng sử dụng khí cười làm chất kích thích đang tràn lan trong giới trẻ, khó kiểm soát.

Bóng cười được sử dụng tràn lan trong các tụ điểm ăn chơi, nơi công cộng

Con nhập viện vì bóng cười, cha mẹ tưởng “bệnh lạ”

Bóng cười hay còn gọi là khí cười thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide). Hiện nay, bóng cười được giới trẻ sử dụng khá rộng rãi và công khai trong các hoạt động giải trí vui chơi. Đặc biệt, bóng cười thường được kinh doanh trong các quán bar, karaoke, quán nhậu...

Đáng nói, ngày càng nhiều người trẻ coi bóng cười là chất kích thích để làm tăng hưng phấn cho các cuộc vui, họ quan niệm bóng cười chỉ là một dạng kích thích như rượu bia, thuốc lá chứ không gây nghiện, không gây hại nhiều cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế bóng cười cực kì độc hại. Đã có những trường hợp hệ thần kinh bị tổn hại vĩnh viễn, không thể phục hồi vì lạm dụng khí cười.

Mới đây, một bệnh viện nhà nước tại TP HCM tiếp nhận một ca bệnh khá “lạ”. Nam thanh niên hơn 20 tuổi, bỗng nhiên tê dại hai bên cánh tay, cử động chậm, khó cử động đốt sống cổ tê liệt, không thể quay được đầu cổ, nửa người dưới cử động khó khăn. Thanh niên này cho biết hiện tượng trên đã xuất hiện được hơn một tuần, ban đầu chỉ là cảm giác tê nhỏ nhỏ ở các bộ phận, sau đó lan dần ra cơ thể và hiện thì nửa thân dưới khó khăn trong di chuyển.

Người nhà rất lo lắng, cho là con mình có dấu hiệu đột quỵ hoặc một chứng bệnh lạ nào đó. Sau khi tiến hành thăm khám, các bác sĩ khéo léo khai thác thì biết thông tin, hóa ra, thanh niên này trong vòng hai tháng nay, mỗi ngày trung bình sử dụng… trên 10 quả bóng cười. Mẹ của bệnh nhân thậm chí khi nghe đến bóng cười còn không biết là chất gì, vì sao con mình phải sử dụng chất này hàng ngày và sử dụng nhiều như thế.

Thời gian qua, trường hợp các bạn trẻ nhập viện do bóng cười là không hiếm. Khi nhập viện, tùy vào tình trạng và lượng bóng cười hấp thụ vào người mà bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau: có người bị suy giảm các giác quan trong cơ thể, có người chỉ nằm và thở. Có người thì bị chứng ảo giác, cười hềnh hệch hay đi bằng 4 chân.

Khí cười - đăng kí một đằng, sử dụng một nẻo


Khí cười N2O là loại khí thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, do Bộ Công Thương cấp phép sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là nguyên liệu không thể thiếu cho ngành sản xuất công nghiệp như ngành điện tử, sản xuất thực phẩm, sử dụng trong y tế… Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thời gian qua, một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã có các hành vi vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu, trà trộn khí N2O lẫn với các mặt hàng khác.

Đơn cử, nhiều quán bar, karaoke hay thậm chí quán nhậu lề đường không hề được cấp phép kinh doanh bóng cười nhưng vẫn bán tràn lan cho khách. N.M.P, quản lý một quán bar tại khu vực quận Thủ Đức chia sẻ, bóng cười là mặt hàng “siêu lợi nhuận”.

Quán bar thường nhập bình khí N2O từ một đơn vị kinh doanh cũng trên địa bàn quận với giá dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu/bình tùy chất lượng khí nguyên chất hay pha tạp, sau đó chiết xuất bán cho khách chơi ở bar với giá 100 ngàn/quả bóng. Mỗi một bình N2O bán được hàng trăm quả bóng, tức 1 lời 10. “Không chỉ thế, có bóng cười mới thu hút được khách. Khách đến hỏi bóng cười để chơi, vài lần mà không có là họ chê quán, không đến nữa”, anh M.P. chia sẻ.

Đứng trước mối lợi lớn, nhiều cơ sở kinh doanh, giải trí bất chấp phạm luật để kinh doanh bóng cười. Cạnh đó, còn cần nói đến quy định còn lỏng lẻo về kinh doanh, sử dụng bóng cười. Hiện nay, trong lĩnh vực giải trí, Việt Nam chưa có quy định pháp lý về việc sử dụng khí N2O.

Chính vì vậy, thực trạng dùng bóng cười sai phép, sai mục đích tràn lan tại các khu vui chơi, giải trí ngày càng tăng cao. Siết chặt tình trạng sử dụng bóng cười tại những nơi công cộng là động thái đúng đắn nhằm hạn chế những tác hại của chất này gây ra, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tư duy, lối sống của cả một thế hệ.

BS Chu Tiến Nam - Phó khoa Khám bệnh Viện Y học cổ truyền Trung ương: “Sử dụng quá nhiều bóng cười sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bản thân. Những người nhập viện vì bóng cười có triệu chứng như người nghiện ma túy, nếu nhìn kĩ có thể phát hiện được triệu chứng.

Bóng cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Việc sử dụng bóng cười kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong. Với những người đang lái xe, dùng bóng cười sẽ rất nguy hiểm”.

}
Top