Đề xuất quy trình cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho người bán dâm

20/08/2020 16:59

Theo dự thảo Thông tư của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng và cơ sở hỗ trợ xã hội, quy trình cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý cho người bán dâm gồm 5 bước.

Đầu tiên là tiếp cận và thu hút người bán dâm tham gia sử dụng dịch vụ. Thu hút người bán dâm tham gia sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý thông qua tiếp cận cá nhân hoặc nhóm giữa tư vấn viên với người bán dâm. Để thu hút người bán dâm, tư vấn viên cần nắm vững địa bàn, dịch vụ pháp lý mà có khả năng đáp ứng, thiết lập mối quan hệ với chính quyền địa phương. Người tư vấn pháp lý chủ yếu là các nhân viên tư pháp, nhân viên công tác xã hội, cán bộ các ban ngành, đoàn thể tham gia công tác thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, nhân viên xã hội thuộc Trung tâm công tác xã hội.

Một CLB tư vấn hỗ trợ giảm hại cho phụ nữ mại dâm. Ảnh internet

Bước  thứ hai là đánh giá nhu cầu hỗ trợ (cho nhóm hoặc cá nhân) người bán dâm. Việc đánh giá nhu cầu nhằm khai thác đúng vấn đề pháp lý mà người bán dâm đang gặp phải, tầm quan trọng của nhu cầu đó, khả năng hỗ trợ, biện pháp hỗ trợ.

Tiếp đó cần phân công người thực hiện dịch vụ tư vấn pháp lý và thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ cụ thể. Cung cấp thông tin, văn bản pháp luật, tài liệu pháp lý giúp cho đối tượng hiểu được cụ thể chính sách, pháp luật về vấn đề xử lý, trước khi đưa ra lời khuyên hay các giải pháp để đối tượng lựa chọn. Giải đáp pháp luật, giúp cho đối tượng hiểu rõ các quy định, các quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đưa ra lời giải thích, giải đáp cặn kẽ, bám sát vào tình huống thực tế để phân tích cho người bán dâm hiểu rõ hơn vấn đề của mình trên cơ sở các quy định của pháp luật. Hướng dẫn lập và hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu có liên quan để gửi cơ quan có thẩm quyền xử lý như đơn, các chứng từ, giấy tờ tài liệu liên quan. Trường hợp đối tượng không tự mình chuẩn bị được các thủ tục thì có thể trợ giúp làm như soạn thảo các đơn từ, lập hồ sơ theo hướng dẫn. Kiểm tra hồ sơ, giấy tờ giải quyết vụ việc, hướng dẫn bổ sung, hoàn chỉnh trước khi đối tượng đưa đến các cơ quan chức năng để xử lý.

Bước thứ tư  là kết nối, chuyển gửi hỗ trợ pháp lý (nếu cần). Trường hợp các vấn đề cần hỗ trợ pháp lý của đối tượng vượt quá khả năng hỗ trợ của tư vấn viên thì giới thiệu đối tượng đến một số địa chỉ có thể tiếp cận thuận lợi như các cơ sở của ngành tư pháp địa phương: cơ quan tư pháp ở cấp xã, huyện, tỉnh; Công an cấp huyện; Hội phụ nữ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Các Văn phòng luật sư; câu lạc bộ trợ giúp pháp lý (ở một số xã và do Ủy ban nhân dân xã thành lập).

Nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm là người thuộc diện đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí, vì vậy rất thuận lợi để chuyển gửi đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước ở tỉnh, thành phố, chi nhánh trợ giúp pháp lý ở các quận huyện.

Bước cuối cùng là giám sát chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Giám sát việc thực hiện hỗ trợ pháp lý nhằm giám sát quá trình mà đối tượng thực hiện các vụ việc pháp lý mà đã được hướng dẫn qua đó tiếp tục cải thiện các hoạt động, phương thức hỗ trợ để mang lại dịch vụ có kết quả. Việc giám sát kết quả thực hiện phải được tiến hành song song với quá trình cung cấp dịch vụ, đồng thời giám sát giữa kỳ và cuối kỳ của thực hiện dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hình thức giám sát thông qua gặp trực tiếp đối tượng có nhu cầu hỗ trợ, các nhân sự có liên quan, nghiên cứu các tài liệu có liên quan.

Việc giám sát do tư vấn viên trực tiếp tư vấn thực hiện cho người bán dâm. Kết quả giám sát được trao đổi với người bán dâm và báo cáo cho người quản lý chương trình để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Việc giám sát kết quả không nhằm chỉ trích hay đánh giá thấp người bán dâm mà phân tích giúp họ có thêm động lực để vượt qua trở ngại của bản thân và các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

}
Top