Đề xuất tịch thu tang vật, phương tiện mua dâm: Cần hướng dẫn cụ thể

16/07/2021 17:52

(Chinhphu.vn) - Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm là chế tài dành cho các hành vi liên quan đến hoạt động mua bán dâm. Ngoài việc tăng mức phạt lên nhiều lần cho các vi phạm liên quan đến động mại dâm, dự thảo còn quy định thêm nhiều hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.

 

Bộ Công an đang cho lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định để thay thế Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc xử phạt các hành vi liên quan tới mua, bán, môi giới… mại dâm được quy định từ điều 24 đến 27 trong dự thảo. Theo đó, Bộ Công an đề xuất phạt 1-2 triệu đồng đối với người có hành vi mua dâm, trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng lúc thì phạt 2-5 triệu đồng. Đề xuất này tăng gấp đôi so với quy định hiện hành tại Nghị định 167/2013, khi người mua dâm bị phạt hành chính từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Ngoài việc tăng mức phạt vi phạm hành chính lên nhiều lần, thì dự thảo còn quy định thêm nhiều hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Chẳng hạn điều 24 quy định xử phạt về mua dâm, trong đó có hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đối với hành vi mua dâm.

Ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), cho biết về nguyên tắc làm luật từ xưa đến nay là tăng chế tài sẽ giúp giảm hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đối với hành vi mua, bán dâm tăng mức phạt có giảm tình trạng này không thì rất khó đưa ra nhận định, bởi đây là lĩnh vực vô cùng nhạy cảm, khó xác định được đối tượng xử lý.

“Nên tôi nghĩ việc tăng chế tài ở mỗi lĩnh vực còn phù thuộc nhiều yếu tố. Chẳng hạn, như hành vi buôn bán ma túy, xưa chỉ buôn bán vài lạng, nay họ buôn cả tấn dù hình phạt cho hành vi này cao nhất là tử hình…”, ông Túy dẫn chứng.

Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng tang vật, phương tiện mua dâm có thể hiểu là tiền, điện thoại, xe… không loại trừ cả bao cao su. Có lo ngại rằng, nếu tiền trong ví của người mua dâm nhiều thì sao? Có thể cơ quan xử phạt suy diễn rằng tiền đó có thể là tiền “thưởng, tiền ăn uống, thuê khách sạn…”. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cần phải xác định số tiền nào dùng để mua dâm, số tiền nào không dùng vào mục đích ấy. Bộ Công an cần có thông tư hướng dẫn về thế nào là tang vật, phương tiện mua dâm.

Một vấn đề khác trong dự thảo là tại Điều 27 quy định “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân khác để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý”.

Một chuyên gia pháp chế đặt vấn đề: Giả sử một người lên mạng, tìm gặp được bạn tình, ngã giá xong hai người đến khách sạn X thuê phòng như những người bình thường. Rồi công an ập đến bắt quả tang hai người đang có hành vi mua bán dâm. Công an xử phạt hai người mua, bán dâm và cả ông chủ khách sạn X.

“Ông chủ khách sạn X không hiểu chuyện gì vừa xảy ra, chỉ biết rằng mình vừa vi phạm pháp luật và bị xử phạt, kèm theo không được hoạt động trong 6 tháng. Thế thì có hợp lý với chủ khách sạn X không?”, chuyên gia này băn khoăn.

Chuyên gia này còn tỏ ra lo ngại vì dự thảo quy định chủ khách sạn sẽ bị xử phạt nếu có hành vi khiêu dâm, kích dục tại khách sạn. Khiêu dâm được hiểu là hành vi gây kích thích ham muốn tình dục, theo định nghĩa tại Nghị định 178/2004. “Như vậy, hầu hết các cặp đôi vào khách sạn đều làm hành vi này. Đồng nghĩa với việc các khách sạn sẽ phải cấm cửa gần như tất cả khách của mình, nếu không muốn bị phạt và dừng hoạt động 6 tháng. Nhưng nếu làm thế, nguồn thu khách sạn, nhà nghỉ sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng”, chuyên gia này phân tích.

“Vấn đề cần lưu ý là việc đặt ra trách nhiệm phải đi cùng với khả năng thực hiện của chủ thể đó. Trong trường hợp này, các chủ khách sạn, nhà nghỉ thật khó để có thể nhận biết được đôi nào là yêu nhau bình thường, đôi nào là mua bán dâm. Trách nhiệm của họ không phù hợp với năng lực mà họ có thể thực hiện. Quy định nói trên chỉ gây khó khăn cho các khách sạn, nhà nghỉ và đặt họ vào tình huống lúc nào cũng có thể vi phạm và bị xử phạt”, chuyên gia này nói.

Đối với đề xuất xem mại dâm là một nghề, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Trần Ngọc Túy cho biết, công tác phòng, chống mại dâm ở mỗi quốc là gia khác nhau. Một số quốc gia công nhận hoạt động này và quy hoạch thành những khu riêng biệt, gọi là “khu đèn đỏ”. Các cơ sở này được cấp phép, nhân viên đi khám sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, ở Việt Nam do vướng thuần phong mỹ tục, nên để xem mại dâm là một nghề không hề đơn giản.

Để kiểm soát hoạt động trên, Chính phủ đang giao Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật về mại dâm, theo hướng phòng ngừa là chính. Cụ thể là tăng cường kiểm soát ở các cơ sở dịch vụ nhạy cảm như karaoke, vũ trường, massage…

“Chúng tôi từng đi thảm khảo mô hình quản lý hoạt động này tại nhiều quốc gia, đa phần họ đều có khu vực riêng cho hoạt động này. Nhưng với chúng ta việc xây dựng luật cũng đang có ý kiến khác nhau, chứ chưa nói đến việc công nhận hoạt động này. Trong khi đó không công nhận thì khó quản lý, vì nó diễn ra nhiều nơi. Đặc biệt, hiện nay có nhiều người mua dâm mấy chục nghìn USD/lần, nên thật khó để đưa ra các biện pháp ngăn chặn triệt để. Ngược lại chúng ta phải tìm cách kiểm soát tốt và hạn chế hoạt động này lan rộng…”, ông Túy cho hay.
}
Top