Dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ mua bán người

28/02/2022 16:02

(Chinhphu.vn) - Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH), dịch COVID-19 gây ra những tác hại về kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người dân, đặc biệt là nhóm người có thu nhập trung bình và thấp (công nhân, lao động tự do…), làm tăng nguy cơ phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt mua bán và đưa trái phép ra nước ngoài.

Dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ mua bán người - Ảnh 1.

Cục Phòng, phòng ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh BĐBP) phối hợp với BĐBP tỉnh Lào Cai, Hà Giang triệt phá thành công đường dây mua bán người, bắt 3 đối tượng vào ngày 21/12/2021. Ảnh: BĐBP cung cấp

Đặc biệt là vào thời điểm các trường học đóng cửa và chuyển sang hình thức học tập từ xa hoặc học trực tuyến tại nhà thì trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi khó tiếp cận được máy tính hoặc internet để học tập. Thay vì đi học, các em học sinh thường đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cho gia đình.

Khi đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, đi đôi với việc đóng cửa nơi làm việc và trường học thì học sinh từ các gia đình nghèo, đặc biệt là các em học sinh nữ, có nguy cơ bỏ học vĩnh viễn để làm việc phụ giúp gia đình. Áp lực tìm kiếm việc làm để hỗ trợ gia đình trong những thời điểm cấp bách này tạo ra nguy cơ đối với trẻ em gái và gia đình các em, đó là có thể bị những kẻ tuyển dụng dụ dỗ rơi vào hoàn cảnh bị mua bán, bị cưỡng ép lao động và bóc lột tình dục.

Do vậy, việc phát hiện, phòng ngừa cho nhóm có nguy cơ cao là thách thức. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nạn nhân cũng gặp khó khăn do các quy định về chế độ hỗ trợ nạn nhân, đối tượng hỗ trợ, trình tự hỗ trợ thiếu thống nhất, không khả thi, mức hỗ trợ không phù hợp.

Ông Trần Ngọc Túy, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết,  công tác hỗ trợ nạn nhân thực hiện theo quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, vẫn thiếu quy định cụ thể về từng loại đối tượng được hỗ trợ, bao gồm những nạn nhân tự trở về, nạn nhân ở địa phương khác, nạn nhân là nam giới, nạn nhân bị mua bán trong nước, nên chính quyền các địa phương gặp khó khăn trong việc hỗ trợ cho các đối tượng nạn nhân khác nhau; thiếu chi phí đi lại cho nạn nhân là người nước ngoài trở về nước và chi phí cho người phiên dịch, người có trách nhiệm đưa nạn nhân là người nước ngoài ra bến tàu xe để hồi hương.

Các nạn nhân chủ yếu được thăm khám sức khỏe ban đầu và điều trị các bệnh thông thường. Nhưng nhiều nạn nhân trong quá trình bị mua bán đã bị xâm hại, cưỡng bức, đánh đập, bị mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải chữa trị ngay, với chi phí khám và điều trị lên đến hàng triệu đồng, vượt quá khả năng chi trả của nạn nhân và cơ sở.

Ngoài ra, các nạn nhân chủ yếu được hỗ trợ làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, còn việc hỗ trợ bồi thường sau bản án phần lớn không được thực hiện một phần do bị can và gia đình bị can không có khả năng tài chính để chi trả do vậy mặc dù bản án đã được tuyên nhưng người bị hại không có cơ hội được tiếp nhận các khoản đền bù ...

Trong năm 2021, số người được tiếp nhận, xác minh là 151 người; lực lượng chức năng xác định 110 người là nạn nhân bị mua bán. Trên cơ sở nhu cầu của nạn nhân, các lực lượng chức năng đã hỗ trợ cho 100 nạn nhân (đạt 100% chỉ tiêu), trong đó, 79 nạn nhân được bảo vệ an toàn, 90 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 55 nạn nhân được hỗ trợ chi phí đi lại, 45 nạn nhân được hỗ trợ y tế, 34 nạn nhân được trợ giúp pháp lý, 50 người được hỗ trợ tâm lý, 19 nạn nhân được trợ cấp khó khăn ban đầu, 10 nạn nhân được hỗ trợ vay vốn, 12 nạn nhân được hỗ trợ việc làm.

Trong số 100 nạn nhân được hỗ trợ có 95 nạn nhân người Việt Nam, 5 nạn nhân là người nước ngoài; dân tộc kinh là 36 người, 64 người dân tộc khác; 88 nạn nhân là nữ, 12 nạn nhân là nam.

Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (tổng đài 111) tiếp nhận 3.103 cuộc gọi, tăng 492 cuộc so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 2.714 cuộc gọi đề nghị cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng, tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm…), 357 cuộc gọi đề nghị tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tài chính cho đối tượng là nạn nhân của mua bán người, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh, hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình của nạn nhân…), chuyển tuyến và hỗ trợ 42 nạn nhân.

Hoàng Giang

Top