Điện Biên: Sử dụng hiệu quả phần mềm tích hợp khám bệnh cho người nhiễm HIV

06/12/2019 16:49

Thời gian qua, ngoài việc tích cực triển khai đồng bộ về công tác phòng chống HIV/AIDS, ngành Y tế Điện Biên còn quan tâm hỗ trợ người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong điều trị bệnh, qua đó giúp người bệnh duy trì tốt việc điều trị.

 

Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế kiểm tra việc sử dụng ứng dụng phần mềm tích hợp khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV bằng BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, Điện Biên. Ảnh: Thanh Tâm

Các cơ sở điều trị HIV/AIDS (OPC) được thành lập từ năm 2007 đến nay, đã triển khai các hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2007 đến năm 2018 sử dụng nguồn thuốc ARV và các loại thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội khác thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia, PEPPAR.

Từ ngày 1/6/2016 tỉnh Điện Biên thực hiện Công văn số 9293/BYT-AIDS ngày 27/11/2015 của Bộ Y tế về việc Kiện toàn cơ sở điều trị và thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và đã triển khai kiện toàn theo hướng khám bệnh từ quỹ BHYT. Cơ sở điều trị HIV/AIDS thực hiện triển khai quy trình khám bệnh, chữa bệnh HIV lồng ghép với quy trình khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện; sử dụng kết nối phần mềm eHIS-HIV với cổng mạng thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS và thực hiện khám chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT.

Bắt đầu từ năm 2016, các cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV thanh toán từ nguồn quỹ BHYT. Đến nay 100% các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã thực hiện ít nhất 1 dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV qua nguồn BHYT (gồm dịch vụ xét nghiệm cơ bản, thuốc nhiễm trùng cơ hội điều trị cho người bệnh nhiễm HIV/AIDS). 

Kết quả thực hiện BHYT năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh có 3.416 người nhiễm HIV có thẻ BHYT (chiếm 100%). Bên cạnh đó, 2.853 người nhiễm HIV/AIDS được khám chữa bệnh và tham toán các dịch vụ liên quan thông qua BHYT; quỹ BHYT đã thanh toán các chi phí khám chữa bệnh, xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội; thuốc kháng virus và xét nghiệm CD4, xét nghiệm tải lượng virus được các dự án quốc tế tài trợ miễn phí. Mua thẻ BHYT cho 435 người nhiễm HIV (trong đó mua từ nguồn NSĐP của tỉnh cấp là 75 thẻ; từ nguồn dự án Quỹ toàn cầu là 360 thẻ).

BSCKI Lò Thị Tố Khuyên, Phó khoa HIV/AIDS (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Đến ngày 30/9/2019 có 3.263 người nhiễm HIV có BHYT (chiếm 94,75%); số bệnh nhân hiện đang điều trị ARV sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh và thanh toán BHYT là 2.943 người (chiếm 96,71% số người đang điều trị); quỹ BHYT đã thanh toán các chi phí khám bệnh, xét nghiệm cơ bản, thuốc nhiễm trùng cơ hội. Trong đó số bệnh nhân được hưởng 100% BHYT là 2.355 người; số bệnh nhân được hưởng 95% BHYT là 66 người; bệnh nhân hưởng 80% BHYT 553 bệnh nhân.

Từ tháng 5/2019, địa phương đã triển khai cấp thuốc ARV thanh toán từ nguồn BHYT tại 4 cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh gồm bệnh viện đa khoa khu vực thị xã Mường Lay; Trung tâm y tế các huyện, Điện Biên Đông, Mường Ảng và Tủa Chùa. Có 12 cơ sở điều trị đã tích hợp phần mềm HIV vào trong phần mềm quản lý bệnh viện để thanh toán các chi phí khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS.

Trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả Chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh hướng tới mục tiêu 90-90-90; góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; 100% cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh triển khai cung cấp thuốc ARV; xét nghiệm tải lượng vi rút HIV, CD4 và các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS thanh toán từ nguồn Bảo hiểm y tế; triển khai xét nghiệm tải lượng vi rút HIV tại tỉnh; đảm bảo 100% người bệnh nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Tuy nhiên, hiện nay các nguồn kinh phí đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn tới kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-90 về phòng chống HIV/AIDS. Bệnh nhân điều trị ARV đi làm ăn xa, hàng tháng không về lĩnh thuốc ARV, theo quy định nên số bệnh nhân bỏ trị cao. Việc kê đơn, cấp thuốc ARV thanh toán nguồn BHYT tại trạm y tế xã gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Hoạt động xét nghiệm tải lượng vi rút nguồn BHYT gặp khó khăn, do địa phương chưa triển khai thực hiện xét nghiệm được do thiếu vật tư sinh phẩm, mặc dù đã có máy xét nghiệm tải lượng.
Top