Điện Biên: Tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con
Các bệnh lây truyền từ mẹ sang con nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 30-40%. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn 2-6%, có thể giảm tới 0%.
Tuyên truyền phòng, chống HIV trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thanh Tâm
Tại tỉnh Điện Biên có khoảng 15 nghìn phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,21%, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 31 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30 - 40%, ước tính mỗi năm tỉnh Điện Biên có khoảng 9 - 12 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV nếu không được can thiệp, tuy nhiên nếu Chương trình dự phòng HIV lây từ mẹ sang con được triển khai hiệu quả thì tỷ lệ này giảm xuống dưới 2%, theo đó chỉ có 1 trẻ em hoặc không có trẻ nào sinh ra bị nhiễm HIV từ mẹ trên địa bàn toàn tỉnh.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn 10/10 huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2015 đến 2018, hằng năm xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai trên 20.000 mẫu, các trường hợp phát hiện HIV dương tính được kết nối với chương trình chăm sóc điều trị, tuy nhiên tỉnh Điện Biên vẫn còn một số thách thức trong công tác dự phòng HIV từ mẹ sang con như: Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trước và trong thời gian mang thai là 42%, tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong khi chuyển dạ 40%; tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm PCR lần 1 trong vòng 18 tháng tuổi vẫn còn thấp, chỉ đạt 37% (năm 2018) giảm hơn so với năm 2017 (44 %); phụ nữ mang thai nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc vùng sâu, vùng xa nên họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận điều trị...
Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam năm 2018 có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B, Viêm gan B với tỷ lệ người nhiễm rất cao trong cộng đồng là 10-15%. Tỷ lệ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai là 2%, trong lúc chuyển dạ đẻ là 90%; nếu mẹ bị nhiễm HBV và có HBeAg ( ) thì trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ bị nhiễm, mẹ nhiễm HBV mà HBeAg (-) tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32%.
Đối với tỉnh Điện Biên có 15 nghìn phụ nữ mang thai theo ước tính thì toàn tỉnh có trên 1.500 phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B nếu không được can thiệp dự phòng sẽ có trên 1.300 trẻ nhiễm viêm gan B hằng năm. Chương trình dự phòng đang triển khai tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ và tiêm phòng viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi. Tỷ lệ tiêm cho trẻ khi phụ nữ đến đẻ tại cơ sở y tế chiếm khoảng 92-95%, tuy nhiên số trẻ đẻ ra sống được tiêm đạt tại cộng đồng đạt rất thấp 51,2% (phụ nữ đẻ tại nhà không được tiếp cận dịch vụ này).
Phát huy tối đa vai trò và sự tham gia của cộng đồng
Nhằm tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, trên địa bàn tỉnh vào năm 2030. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch Hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2019-2030. Theo đó mục tiêu cụ thể là rà soát, bổ sung và xây dựng mới chính sách, hướng dẫn, quy trình chuyên môn, cơ chế phối hợp giữa các chương trình/đơn vị tiến tới loại trừ 3 bệnh. Bảo đảm người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng.
Các hoạt động truyền thông về nguyên tắc dự phòng lây truyền ba bệnh từ mẹ sang con, lợi ích của dự phòng và tuân thủ điều trị được triển khai, có sự tham gia của các đối tượng can thiệp bao gồm cả các nhóm bị ảnh hưởng. Xây dựng mạng lưới triển khai và cơ chế theo dõi, đánh giá hiệu quả can thiệp. Tạo môi trường thuận lợi, phát huy tối đa vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong dự phòng, kiểm soát lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con. Giáo dục, bảo đảm quyền bình đẳng của người nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B cũng như từng cá nhân sống trong cộng đồng.
Khuyến khích các thành viên trong gia đình áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B và trở thành những tuyên truyền viên trong việc dự phòng và loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai. Đẩy mạnh, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và cán bộ y tế về nguy cơ của việc mắc HIV, viêm gan B, giang mai, các biện pháp dự phòng, lợi ích của việc sàng lọc trước, trong và sau sinh để phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tuân thủ điều trị. Lồng ghép việc tuyên truyền và tư vấn dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai với tư vấn và tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và tư vấn trước sinh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để cải tiến nội dung, đa dạng hóa các hình thức và hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng
Cùng với đó, nâng cao năng lực về kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho đội ngũ làm công tác truyền thông và quản lý truyền thông tại cộng đồng. Đẩy mạnh thực hiện liên kết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với phòng chống, điều trị và chuyển tuyến đối với HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm từ cha mẹ sang con, các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.