Diệu kỳ nơi mái ấm của những mảnh đời có ‘H’
Trung tâm Mai Hòa ngụ tại ấp 6, xã An Nhơn Tây, huyện củ Chi là một trong những nơi hiếm hoi tại TPHCM hiện đang chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Nơi đây đã ôm trọn bao bệnh nhân HIV/AIDS trong giấc ngủ thanh bình, và cũng chứng kiến sự hồi sinh đầy ngoạn mục của những con người đang chiến đấu với căn bệnh có “H”.
Một mái ấm đã thành hình
Nhiều người đã gọi trung tâm Mai Hòa bằng một cái tên thân thương là “mái ấm Mai Hòa” vì tại nơi đây, họ đã được săn sóc, được yêu thương như những người trong gia đình. Nơi đây, gần 15 nữ tu Dòng Bác Ái là một đều mang trong mình ba chức phận: vừa là tu sĩ, vừa là y bác sĩ và vừa mang cả chức phận ‘mẹ hiền’.
Trung tâm Mai Hòa - nơi chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn
Khi thành lập vào năm 2005, toàn trung tâm Mai Hòa chỉ có 24 giường bệnh. Đến nay, số giường đã được tăng lên gần 100, kèm theo đó là cơ sở vật chất, thiết bị y tế cũng được trang bị cho hiện đại hơn. Quản lý tại trung tâm cho biết, bệnh nhân nội trú tại nơi này có khoảng 55 người, bao gồm người lớn và trẻ em. Riêng số bệnh nhân ngoại trú cũng khoảng 70 người. Có nhiều trường hợp trẻ em đã sinh ra và lớn lên tại đây, được trung tâm nuôi ăn học. Người ở lại đây lâu nhất, ngót cũng đã hơn 6 năm.
Chúng tôi theo chân các Sơ để ghé thăm khuôn viên với 8 dãy phòng nơi mà các bệnh nhân nghỉ ngơi. Mỗi căn phòng đều có không gian thoáng đãng, mát mẻ với máy nước nóng lạnh và nhà vệ sinh khuôn biệt. Hằng ngày các Sơ đều lau dọn, vệ sinh sạch sẽ để tránh làm người bệnh nhiễm trùng. Một ngày làm việc của các Sơ đã phải bắt đầu từ hơn 5h sáng đến tậm 9h tối. Vừa chăm lo bữa ăn, lau dọn, chăm sóc các vết thương, các Sơ vừa phải hỏi thăm, động viên tinh thần của từng người. Nhiều Sơ từ khi đặt chân vào trung tâm tuổi mới đôi mươi, nhưng nay tóc đã bạc màu qua năm tháng.
Bên cạnh việc lo lắng cho hơn 50 bệnh nhân nội trú, các Sơ còn ‘gánh vác’ thay phần của những bác sĩ y tế dự phòng. Đó là việc cấp phát miễn phí thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) cho bệnh nhân đang mắc bệnh. Khi người bệnh không có tiền mua BHYT để được cấp phát thuốc ARV miễn phí, trung tâm đều sẵn sàng mua giúp.
Mái ấm Mai Hòa cũng là một trong những cơ sở hiếm hoi có nơi chuyên biệt thờ tro cốt của bệnh nhân đã mất. Sau khi mất, họ được ‘ở’ lại với các Sơ, được các Sơ thường xuyên cúng kiến để bài vị của họ bớt hiu quạnh. Sơ Lan tâm sự: “Chết âu cũng là giải thoát đó em ơi, chứ nhìn họ đau đớn mình thương dữ lắm…”
Hồi sinh những phận đời một lần ‘chết hụt’
May mắn ghé thăm trung tâm ngay ngày lễ thánh Vinh Sơn (là ngày bổn Thánh của trung tâm), chúng tôi thấy có rất nhiều bệnh nhân lại về xum họp tại mái nhà xưa. Họ về lại bên nhau để chuyện trò, để chia sẻ kinh nghiệm vượt lên nghịch cảnh, để hàn huyên tâm sự chuyện đời, và cũng để nhớ lại nơi đã giúp họ ‘sống lại’ lần hai.
Được tận mắt chứng kiến sự hồi sinh đầy ngoạn mục của những bệnh nhân bị nhiễm HIV, chúng tôi thật không khỏi ngạc nhiên. Chúng tôi vẫn chưa thể mường tượng ra cảnh nhiều trẻ em chạy nhảy vui đùa, nhiều đôi nam nữ vóc dáng thon gọn, nước da trắng trẻo này lại từng là những bệnh nhân của căn bệnh thế kỷ. ‘Bật mí’ về sự hồi sinh thần kỳ của bệnh nhân tại trung tâm, Sơ cười và bảo đó là chuyện rất đỗi… bình thường. Sơ giải thích: “Nếu họ có ý chí tự lập, họ hợp tác trong việc ăn uống thì có thể sống lại và bước qua ranh giới của tử thần. Ăn vào mà ói thì phải càng ăn nữa, và thuốc thì phải uống đầy đủ không được giấu thuốc, không được lén bỏ thuốc.”
Các Sơ tâm sự rằng mỗi khi thấy bệnh nhân cũ về thăm, các Sơ còn cho cả… tiền xe để về. Sơ trăn trở: “Không trở về mới lo…Mỗi năm nó biết mà trở về đây, khỏe mạnh còn sống là Sơ đỡ lo. Tới ngày này tự biết mà về, nhiều đứa khỏe mạnh rồi, đèo bồng nhau, dẫn vợ dẫn con về là thấy thương lắm!”.
Chúng tôi trò chuyện với vợ chồng anh H. (46 tuổi) và chị T. (42 tuổi) ở tại TPHCM. Vợ chồng anh chị hằng tháng đều đến nhận thuốc tại trung tâm Mai Hòa. Anh chị là một trong số những trường hợp đã ‘sống lại’ nhờ phát hiện kịp thời và nhờ công chăm dưỡng của các Sơ. Anh H. tâm sự: “Cũng nhờ mấy Sơ mà tui mới được như ngày hôm nay, hồi trước tui bốn mấy kí giờ lên được 63 kg. Giờ tui khỏe rồi nên xin Sơ cho về nhà, rồi hai vợ chồng đi làm kiếm tiền”. Đang vui vẻ thì anh chững lại, nhìn xa xăm: “Nợ ơn Sơ nhiều quá nên lâu lâu tui hay mua vé số, tui mà trúng một cái, thì mang vô tui trả ơn cho mấy Sơ liền để mấy Sơ có tiền mà chăm mấy người khác…”.
Khi được hỏi về niềm vui khi làm công việc tại trung tâm, các Sơ bảo: “Vui nhất là mấy đứa nó nên vợ nên chồng”. Sơ kể rằng có nhiều cặp vô đây biết nhau rồi lấy nhau (thường là bệnh lấy bệnh), có người ở với nhau tận 10 năm mà vẫn không lây bệnh cho vợ cho chồng mình. “Mỗi năm nó dẫn gia đình về, hạnh phúc viên mãn trong cuộc sống vợ chồng rồi, nó nhớ gì tới Sơ mới sợ”- Sơ cười nói rồi nhìn vào xa xăm…
Được biết, nhiều trẻ em không may nhiễm HIV/AIDS hoặc có ba mẹ mất vì bị nhiễm bệnh đều được các Sơ tại trung tâm cho đi học, dạy dỗ tử tế. Các Sơ tâm niệm rằng mặc dù trẻ em bị bệnh, sức khỏe yếu kém nhưng Sơ vẫn phải cho đi học. Đi học để biết cái chữ, để trẻ có tuổi thơ nơi mái trường, lóp học.
Vậy là 15 năm qua, đã có biết bao câu chuyện phi thường, diệu kì của các bệnh nhân tại nơi đây ‘chiến thắng’ căn bệnh thế kỷ. Nhiều số phận tưởng đi vào ngõ cụt nay đã hồi sinh, sống tiếp phần còn lại của đời mình sao cho tử tế, đường hoàng. Tuy nhiều bệnh nhân đã mãi mãi nằm xuống lòng đất mẹ, những cũng có nhiều bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Đó chính là niềm vui, niềm an ủi cho những nữ tu dòng Bác Ái. Nhiều bệnh nhân sau khi hồi phục đã trở thành những công dân tốt cho xã hội, tu chí làm ăn, kiên quyết không quay lại con đường tiêm chích ma túy hay mại dâm. Thế hệ trước lại có trách nhiệm với thế hệ sau, quay về tụ họp, động viên, dìu dắt nhau để cùng chiến đấu với bệnh tật. Âu cũng là những câu chuyện ‘cổ tích giữa đời thường’ mà chúng tôi may mắn được nghe và được thấy.