Điều trị Methadone đạt gần 54% chỉ tiêu kế hoạch

19/01/2016 17:44

Trong năm 2015, bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tăng 214% so với năm 2014, bằng 78% so với giai đoạn 2008 - 2014.

Theo đó, tỉ lệ người nghiện điều trị Methadone hiện đạt 53,94% chỉ tiêu kế hoạch năm 2015, theo quy định tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu cai nghiện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone năm 2014, 2015.

Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy - Ảnh: Thùy Chi

Gần 44.000 người đang được điều trị Methadone

Hiện, việc điều trị Methadone được triển khai mạnh mẽ với 57 tỉnh, 239 cơ sở điều trị Methadone và trên 43.720 người được điều trị Methadone. Cụ thể, số liệu thống kê theo ngành/lĩnh vực như sau: ngành y tế có 41.797 bệnh nhân đang điều trị tại 229 cơ sở; ngành công an đang điều trị cho 30 bệnh nhân; tại cơ sở 06 của ngành LĐTBXH có 168 bệnh nhân tại 3 cơ sở điều trị; tại 8 cơ sở khác của ngành LĐTBXH có 1.725 người đang điều trị Methadone. Thuốc Methadone được cấp phát đến tận tuyến xã, phường.

Theo tỉ lệ số tuyệt đối, hiện 10 tỉnh trên toàn quốc đạt cao nhất theo chỉ tiêu do chính phủ giao về điều trị Methadone là Lai Châu, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Điện Biên, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Thái Bình, Nam Định, Lào Cai.

Để đạt được kết quả trên, trong năm qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo Chương trình điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc Methadone; đẩy mạnh việc triển khai Chương trình điều trị thay thế nghiện, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong việc quản lý và sử dụng thuốc Methadone.

Bên cạnh đó, thực hiện công tác đào tạo nhân lực cho các cơ sở điều trị Methadone; phân quyền cho Sở Y tế các tỉnh/TP trong việc chủ động tổ chức đào tạo nhân lực cho các cơ sở điều trị Methadone thuộc thẩm quyền. Đồng thời, hoàn thiện và chuẩn bị ban hành Hướng dẫn đào tạo Methadone và tài liệu đào tạo Methadone; tổ chức các khóa tạp huấn cơ bản, nâng cao, đào tạo giảng viên tuyến tỉnh,thành phố; tổ chức các đoàn công tác hỗ trợ kỹ thuật tại các địa phương.

Nhiều khó khăn, hạn chế khi thực hiện

Mặc dù đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nhằm đạt được chỉ tiêu do chính phủ giao, tuy nhiên do còn nhiều khó khăn, nên kết quả vẫn còn hạn chế. Cụ thể, nguyên nhân chủ quan là do UBND tỉnh ở một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, ưu tiên đầu tư như chưa phê duyệt kế hoạch điều trị Methedone tại địa phương và chưa phê duyệt Đề án“Bảo đảm tài chính cho các hoạt động PC HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020” theo quy định tại Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện chỉ có 42/63 tỉnh phê duyệt Đề án.

Bên cạnh đó, đơn vị thường trực giúp việc cho UBND tỉnh ở một số địa phương chưa chủ động, tích cực triển khai kế hoạch đã được phê duyệt. Ngoài ra, hệ thống các cơ sở cai nghiện bắt buộc do ngành LĐTBXH quản lý chưa chủ động, tích cực triển khai điều trị Methadone; Các đơn vị trại giam thuộc quyền quản lý của Bộ Công an chưa chủ động, tích cực triển khai Kế hoạch đã được Bộ Công an phê duyệt; Công tác tuyên truyền, vận động chưa sâu, rộng.

Nguyên nhân khách quan là do thời gian thực hiện chỉ tiêu ngắn, chỉ có 19 tháng nên về cơ bản các địa phương vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đồng thời, có sự thay đổi số lượng người nghiện năm 2015 tại một số tỉnh, thành phố lớn. Như theo số liệu thống kê người nghiện ma túy ở một số tỉnh/TP như T. HCM, Sơn La…. năm 2015 giảm đáng kể so với năm 2014. Số người nghiện không có nơi cư trú ổn định và có hộ khẩu thường trú ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ khá cao, vì vậy tỉ lệ này không thể tiếp cận được điều trị Methadone do quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 96/2012/NĐ-CP.

Ngoài ra, việc chậm thay đổi các thủ tục hành chính; Phân bổ chỉ tiêu người nghiện vào các biện pháp cai nghiện, điều trị khác nhau như, ở một số địa phương Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… có chủ trương phân bổ chỉ tiêu người nghiện đưa đi cai nghiện bắt buộc, cai nghiện bằng các loại thuốc cai nghiện (Cedamex), đi điều trị Methadone, gây khó khăn cho người nghiện ma túy tiếp cận điều trị Methadone.

Một nguyên nhân nữa là do nhiều người nghiện chưa tham gia điều trị vì sợ sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng và do ham muốn tiếp tục sử dụng ma túy cũng là lý do đạt kết quả hạn chế điều trị Methadone.

Để đạt được chỉ tiêu 80.000 người được điều trị Methadone

Theo TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác điều trị Methadone, tiến tới đạt được chỉ tiêu 80.000 người được điều trị Methadone, Chính phủ nên sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2012/NĐ-CP trong Chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ; tiếp tục quan tâm, đầu tư ngân sách cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS nói chung và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện  bằng thuốc thay thế nói riêng

Bộ Tài chính cần tiếp tục cân đối nguồn để bảo đảm có đủ kinh phí mua thuốc phục vụ cho việc triển khai mở rộng điều trị Methadone trong năm 2016 và những năm tiếp theo theo.

Bộ Công an đẩy nhanh việc tiếp nhận điều trị Methadone cho các đối tượng có tiền sử nghiện trong các cơ sở hiện đang triển khai thí điểm và có kế hoạch mở rộng điều trị Methadone tại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Bộ LĐTBXH cần đẩy mạnh triển khai điều trị Methadone trong các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại Quyết định số 2596/QĐ-TTg, Quyết định số 2187/QĐ-TTg và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 26/12/2014 của Chính phủ..

Đối với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị UBND các tỉnh Bình Phước, Cà Mau, Gia Lai, Kiên Giang chỉ đạo, đôn đốc triển khai điều trị Methadone tại địa phương theo đúng quy định tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg; tiếp tục quan tâm việc chỉ đạo, đôn đốc các ban, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai điều trị Methadone hoàn thành chỉ tiêu do chính phủ giao.

Các cơ quan truyền thông, cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyền truyền, đa dạng hóa các biện pháp, hình thức truyền thông về lợi ích của điều trị Methadone. Đặc biệt nội dung về bãi bỏ quy định việc phải xác nhận của chính quyền nơi cư trú đối với người nghiện đăng ký điều trị theo quy định tại Thông tư số 12/2015/TT-BYT.
}
Top