Điều trị nghiện tại cộng đồng - Kinh nghiệm từ mô hình điểm tư vấn
Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 theo Quyết định số 2596/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai thực hiện và có những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng và triển khai mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, đạt được những kết quả tích cực.
Điểm tư vấn tại trạm y tế phường Phương Sơn. Ảnh: Quốc Thông
Trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương, mới đây Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đã hỗ trợ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Bến Tre tổ chức chuyến thăm học tập kinh nghiệm mô hình Điểm tư vấn tại Khánh Hòa.
Tại Khánh Hòa, đoàn Hà Nội đã được Chi cục PCTNXH bố trí đi thực tế tại 2 điểm tư vấn Phương Sơn và Phước Hải thuộc thành phố Nha Trang; đoàn tỉnh Bến Tre đi thực tế tại 02 điểm tư vấn Vạn Giã (Vạn Ninh) và Phương Sơn (Nha Trang). Qua khảo sát thực tế cơ sở vật chất, trang thiết bị của điểm tư vấn và quá trình làm việc, trao đổi với Ban chủ nhiệm điểm tư vấn, Đoàn đã được nghe báo cáo quá trình hình thành, kết quả hoạt động và những bài học kinh nghiệm khi triển khai mô hình điểm tư vấn tại Khánh Hòa.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã thành lập 12 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng, gắn với các địa bàn đã triển khai công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Mỗi điểm tư vấn đều có thành lập Ban chủ nhiệm với 05 thành viên, đặc biệt có một Tư vấn viên chuyên trách để thường trực các hoạt động tại điểm. Đến nay, các điểm tư vấn đã tư vấn cho 2.215 lượt người, tư vấn gia đình 104 lượt; tư vấn nhóm 127 đợt với 580 người tham dự. Được sự hỗ trợ kỹ thuật của SCDI, các điểm đã điều trị cắt cơn cho 134 người, trong đó điều trị tại điểm 74 người, điều trị tại gia đình 60 người. Qua theo dõi có 64 người duy trì tốt, 51 người tái sử dụng, 19 người không có thông tin. Đặc biệt, có 08 người có những tiến bộ đáng kể và đã được giải quyết cho vay vốn theo Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh; 12 người có việc làm ổn định, 01 người trúng tuyển nghĩa vụ quân sự.
Góp vào thành công đó, SCDI đã hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa tổ chức 04 hội thảo, 16 lớp tập huấn cho 260 lượt cán bộ điểm tư vấn và đã trang bị những kiến thức điều trị tiên tiến, các kỹ năng chuyên sâu giúp hỗ trợ cho người tham gia điều trị. Hướng dẫn vận hành các điểm tư vấn và quy trình kết nối chuyển gửi để khi người nghiện ma túy đến điểm tư vấn đều được chăm sóc và hỗ trợ kịp thời.
Thực tế cho thấy, tỉnh Khánh Hòa đã có những chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt theo quan điểm của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy. Đó là xem người nghiện ma túy là người bệnh mãn tính và cần phải được điều trị lâu dài; người nghiện ma túy không nên cách ly với cộng đồng vì họ vẫn có thể giúp ích cho gia đình và cộng đồng; chỉ có những người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội thì đưa vào cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án; mục tiêu của công tác cai nghiện là nhằm giúp người nghiện ma túy có nhận thức đúng để thay đổi hành vi và cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến tới có thể từ bỏ ma túy.
Việc xây dựng các điểm tư vấn gắn với những địa bàn đã triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cũng là một điểm mới của Khánh Hòa, bởi mô hình đã tận dụng được cơ sở vật chất và Tổ công tác cai nghiện ma túy. Địa điểm để điều trị là trạm y tế nên gần gũi với cộng đồng và thuận tiện cho người dân. Mỗi điểm đều có Ban chủ nhiệm để điều hành các công việc, một Tư vấn viên chuyên trách để thực hiện các công việc hàng ngày của điểm. Có thể nói Tư vấn viên là người xây dựng kế hoạch hoạt động của điểm, là người trực tiếp truyền thông, tiếp cận tư vấn khách hàng, hỗ trợ điều trị, giúp đỡ tư vấn hỗ trợ trong quá trình điều trị, trực tiếp giải quyết những vướng mắc của khách hàng…Tư vấn viên cũng là người tiếp cận và tư vấn cho gia đình để hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Tư vấn viên không chỉ là cán bộ mà là người bạn, người anh em thân thiết, có thể giúp đỡ, chia sẻ những nỗi niềm, ưu tư, lo lắng của khách hàng trong mọi hoàn cảnh. Như vậy người tư vấn viên không chỉ có kiến thức, kỹ năng mà còn phải có tấm lòng, tâm huyết với công việc thì mới có thể đem lại kết quả tốt.
Chia sẻ về hoạt động của Điểm tư vấn, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên viên tại Chi cục PCTNXH thành phố Hà Nội, cho biết “Khánh Hòa bố trí Điểm tư vấn tại các trạm y tế nên rất gần dân và có tư vấn viên làm việc nhiệt tình nên đã thu hút được nhiều khách hàng, đây là cách làm hay và có thể vận dụng được.”
Ngoài ra, Điểm tư vấn là loại hình hỗ trợ điều trị hoàn toàn tự giác và tự nguyện, không phân biệt thành phần, hoàn cảnh…của bệnh nhân, họ có thể đến, rồi đi và quay lại điểm mà không hề có sự ép buộc hoặc kỳ thị nào. Người nghiện ma túy đến với điểm sẽ không sợ bị kỳ thị mà được chia sẻ, giúp đỡ. Điểm đã thành lập các nhóm tư lực để tập hợp và tạo sân chơi cho họ, tổ chức các hoạt động truyền thông, tiếp cận hỗ trợ từng thành viên để họ tốt hơn, sử dụng họ làm cầu nối để tiếp cận những đối tượng khác để từng bước phát triển nhóm và hướng họ đến các hoạt động lành mạnh có ích cho cộng đồng. Các ngành, đoàn thể cũng đã có nhiều hoạt động phối hợp thiết thực và hiệu quả. Các ngành đã hỗ trợ Điểm tư vấn về chuyên môn, các đoàn thể hỗ trợ điểm để tiếp cận cộng đồng dân cư, tiếp cận đối tượng. Nếu các hoạt động này phối hợp thuận lợi thì sẽ rất hiệu quả.
Từ kinh nghiệm của Khánh Hòa có thể thấy rằng, những Điểm tư vấn nào có sự phối hợp tốt của các ban ngành, đoàn thể thì nơi đó có hiệu quả hơn. Tại cuộc làm việc với tỉnh, Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết “Đây thật sự là một chuyến đi học tập bổ ích, thấy được nhiều cách làm hay mà tỉnh có thể vận dụng được. Sau chuyến đi này tỉnh sẽ họp với các ngành để bàn thống nhất và triển khai cho hiệu quả.”.