Điều trị thay thế bằng Methadone: Những điều trăn trở

30/10/2017 14:35

Tác dụng, hiệu quả trước mắt của điều trị thay thế bằng methadone (MMT) là rất rõ ràng. Tuy nhiên, cũng cần có cái nhìn đa chiều, khách quan, khoa học để hoàn thiện chương trình này.

Hiệu quả trông thấy

Những ngày gần đây có những ý kiến trái chiều, điều trị MMT không còn tác dụng khi số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) đã chiếm đa số, ngược lại, một số cho rằng ý kiến MMT có tác dụng gần như tuyệt đối với nhóm người nghiện nhóm opiat.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Không thể phủ nhận, trước mắt, MMT đã góp phần quan trọng vào việc giảm tội phạm, giảm lây nhiễm HIV, nâng cao sức khỏe, tăng cơ hội việc làm, giảm chi phí cho người nghiện so với dùng ma túy, mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và bản thân người nghiện.

Nhiều người điều trị MMT đã tâm sự, MMT đã cứu cuộc đời họ. Họ đã nghiện thuốc phiện rồi chuyển sang heroin hàng chục năm. Sức khỏe giảm sút, bòn mót, thậm chí ăn cắp vặt, làm những việc bệ rạc, nhơ nhớp để kiếm chút heroin đưa vào người (chẳng cần biết họ phá phách thế nào) khi lên cơn “vã” thuốc. Mọi người nhìn họ với con mắt cảnh giác, coi thường. Biết thế nhưng vẫn phải sống vật vờ, vẫn phải lùng heroin hàng ngày. MMT đã làm thay đổi tất cả. Không còn đau đớn khi đến “cữ”, hành vi “lùng sục” bằng mọi giá để có tiền mua ma túy đã thành quá khứ. Người thân và hàng xóm đã tôn trọng hơn. Với sự hỗ trợ của gia đình, chính quyền và nhóm đồng đẳng… họ đã có công ăn, việc làm dù đơn giản nhưng phù hợp với sức khỏe, khả năng, tuy thu nhập không cao nhưng cũng tạm đủ sống. MMT là cứu tinh của họ.

Rõ ràng, cùng với công tác cai nghiện, MMT có những những tác dụng, hiệu quả rõ rệt, đặc biệt với người đã nghiện nặng, nghiện heroin lâu năm, đóng góp vào công tác giảm cầu, giảm hại về ma túy và HIV/AIDS.

Băn khoăn về số liệu

Không thể phủ nhận vai trò của MMT nhưng cũng cần có cái nhìn đa chiều, khách quan, khoa học để hoàn thiện chương trình này.

Đầu tiên là những băn khoăn về số liệu. Đúng là theo  cơ quan chức năng, trong số hơn 210.000 nghiện có hồ sơ quản lý hiện nay thì số người nghiện nhóm opiat ( thuốc phiện, heroin, dolargan…) chiếm 75,8%, ma túy tổng hợp chỉ chiếm 9,8% (22.778 người). Tuy nhiên, theo báo cáo của hàng chục địa phương, số người nghiện ATS vào cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện 1-2 năm gần đây chiếm tới 50-75%, có thời điểm còn cao hơn. Trong nhiều vụ lực lượng công an kiểm tra đột xuất một số quán bar, vũ trường, phát hiện hàng chục, hàng trăm người dương tính với ma túy mà chủ yếu là ATS. Đây là một thực tế cần xem xét.

Việc phát hiện người nghiện ATS khó hơn nhóm người sử dụng nhóm opiat, đồng thời, đặt ra nhiệm vụ phải nghiên cứu, đổi mới công tác điều tra, thống kê để có số liệu tiệm cận với số lượng người ATS để không chỉ phục vụ chiến lược điều trị cai nghiện mà còn cho nhiều lĩnh vực phòng chống ma túy. Nhưng lý giải cách nào thì tình hình người nghiện ATS vẫn là nhóm tăng vượt trội hiện nay. Tại Thái Lan, cách đây hơn chục năm, số người nghiện ATS chỉ chiếm trên dưới 20% tổng số người nghiện, hiện nay chiếm gần 90%.

Bên cạnh đó, cũng cần xem lại số liệu “lý tưởng”: “Bệnh nhân có việc làm trước điều trị là 64,4%  đã tăng lên 75,9% sau 24 tháng điều trị”. Có thể đó là mẫu khảo sát trong phạm vi rất nhỏ. Vì theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nghiện sau cai (NNSC) còn hạn chế. Hàng năm, số NNSC có việc làm chỉ chiếm khoảng 10% so với số người được chữa trị, phục hồi, và cũng chỉ khoảng 20% trong số đó có việc làm ổn định, đủ nuôi sống bản thân. NNSC chủ yếu làm công nhân ở các cơ sở sản xuất (62%), số còn lại làm công việc tự do. 

Tại Hà Nội, sau 5 năm triển khai công tác quản lý sau cai nghiện ma túy (2010-2015), các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ra 13.000 quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện cho đối tượng đã hết thời gian cai nghiện bắt buộc tại trung tâm và nơi cư trú; 1.615 NNSC được dạy nghề; 2.431 (18,7%) NNSC được hỗ trợ, tạo việc làm tại địa phương.Như vậy, con số được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm còn khiêm tốn so với số NNSC trên địa bàn Thủ đô.

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NNSC nhưng do sức khỏe yếu, trình độ nghề nghiệp, kỹ năng lao động kém, xã hội còn nhiều kỳ thị nên việc làm cho NNCS vẫn là bài toán nan giải. Với người điều trị MMT còn khó khăn hơn vì họ vẫn là… người nghiện và hàng ngày có khi mất vài giờ, có khi cả buổi, cả ngày đi uống methadone.

Về chi phí điều trị MMT, đúng là tiết kiệm nhiều so với người nghiện dùng ma túy. Nếu tính người nghiện dùng ma túy (trung bình 84 triệu đồng/năm) so với việc dùng methadone (6-8 triệu đồng/năm) thì với 52.231 người đang điều trị MMT tiết kiệm 4.387 tỷ đồng/ năm. Nhưng đây mới là con số chỉ tính riêng cho thuốc methadone (15.000-20.000 đồng/ngày). Cần phải tính cả các chi phí khác nữa như trả lương và phụ cấp cho nhân sự trực tiếp ở cơ sở MMT (ước khoảng 150 tỷ đồng/năm) cộng với trang bị và khấu hao máy móc thiết bị, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, các chi phí xét nghiệm, tuyên truyền, quản lý và các chi phí khác, một số người MMT lại dùng cả heroin và ATS thì có lẽ không tiết kiệm đến vậy, dù vẫn tiết kiệm nhiều so với người nghiện chi cho ma túy.

}
Top