Doanh nghiệp vận tải chậm gửi xét nghiệm ma túy tài xế

27/03/2019 08:55

Dù đã gia hạn hai lần nhưng đến nay chỉ có 250 trên 5.000 doanh nghiệp vận tải ở TPHCM gửi kết quả khám sức khỏe về Sở GTVT.

“Tính đến hết ngày 22/3, mới chỉ có 250/5.000 doanh nghiệp vận tải gửi kết quả khám sức khỏe của tài xế về Sở. Có khoảng 41.300 lái xe của 250 doanh nghiệp trên đã khám sức khỏe theo báo cáo”. Trao đổi với Pháp Luật TPHCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải thuộc Sở GTVT TPHCM, thông tin như trên.

Chậm nộp kết quả khám

Trước đó, với tình trạng tài xế liên tục gây tai nạn, trong đó có nhiều trường hợp sử dụng ma túy, vào tháng 1, Chính phủ yêu cầu các sở GTVT phải khám sức khỏe toàn bộ tài xế vận tải.

Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Sở GTVT TP cho biết UBND TP đã ký văn bản thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải. Việc kiểm tra này áp dụng đối với toàn bộ doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP.

Theo ông Hải, đây là lần thứ hai Sở GTVT yêu cầu các doanh nghiệp vận tải gửi báo cáo kết quả khám sức khỏe tài xế cho Sở. Lần một, ngày 8/1, Sở gửi thông báo đến 5.000 doanh nghiệp, chủ yếu thông qua hình thức online, liên kết trên mạng và các thông báo trực tiếp. Theo đó, gia hạn đến hết tháng 2 các doanh nghiệp này phải gửi kết quả khám sức khỏe toàn bộ tài xế về Sở. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1, Sở vẫn không nhận được nhiều báo cáo như mong muốn.

Tiếp theo, ngày 31/1, Sở tiếp tục gửi thông báo đến các doanh nghiệp vận tải chưa nộp kết quả khám sức khỏe tài xế (bằng hình thức thông báo bằng văn bản đến thẳng trụ sở doanh nghiệp), hạn cuối tháng 3 phải gửi báo cáo về Sở.

Các tài xế đang được cơ quan chức năng kiểm tra ma túy

Nhiều lý do chậm nộp

“Dù nhiều doanh nghiệp vận tải nhận được thông báo nhưng họ viện dẫn nhiều lý do. Như đợt đầu thì họ nói vì cận Tết, nhiều tài xế đường dài chưa về tới nên chưa thể khám được. Ngoài ra, cũng xem xét đến trường hợp nhiều doanh nghiệp chuyển đổi trụ sở nên thư thông báo cũng có thể họ chưa nhận được” - ông Hải nói.

Bên cạnh đó, theo ông Hải, trong các văn bản phản hồi tới Sở, doanh nghiệp vận tải còn nêu các khó khăn như việc phối hợp với các cơ sở y tế, các cơ sở y tế cũng thông báo đến các doanh nghiệp tình trạng quá tải của mình.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng dù có bất cứ lý do nào thì trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải là phải thực thi việc khám sức khỏe cho tài xế như yêu cầu của cơ quan chức năng.

“Sở sẽ không thông báo lần nữa vì đã thông báo hai lần rồi. Chúng tôi sẽ chờ đến hết tháng 4, nếu doanh nghiệp nào chưa gửi báo cáo sẽ xem xét các bước xử lý tiếp theo. Cụ thể, Sở sẽ xem xét, thanh tra các doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn TP chưa gửi báo cáo” - ông Hải khẳng định.

Về khía cạnh doanh nghiệp, ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh, cho biết công ty có 50 tài xế và đã gửi kết quả khám sức khỏe toàn bộ tài xế này về Sở nhưng việc này còn nhiều bất cập và còn nhiều lỗ hổng.

“Thứ nhất, doanh nghiệp giao tài xế đi kiểm tra sức khỏe ở các cơ sở y tế và gửi báo cáo về doanh nghiệp. Việc này do tài xế tự làm, doanh nghiệp cũng không đủ các phương tiện để giám sát việc này” - ông Vinh phân tích.

Theo ông Vinh, việc khám sức khỏe và báo cáo về cơ quan chức năng lần này chủ yếu là để xem tài xế có sử dụng ma túy hay không. Nhưng lỗ hổng ở chỗ cơ sở y tế chủ yếu đưa lọ thử cho tài xế vào nhà vệ sinh lấy nước tiểu chứ cũng không có giám sát chặt chẽ. Điều này dễ dẫn tới việc tráo mẫu, gian dối của tài xế khi thực hành xét nghiệm.

“Tôi kiến nghị nên xét nghiệm máu thay vì nước tiểu như hiện tại. Xét nghiệm máu sẽ hạn chế gian lận vì tài xế (nếu có nghiện ma túy) phải cố gắng nhịn hút trong một thời gian để có kết quả xét nghiệm tốt hơn. Việc người nghiện chịu nhịn hút, chích một thời gian để có kết quả xét nghiệm có lợi thì gần như là không thể” - ông Vinh đánh giá.

Không những vậy, ông Vinh còn đề nghị xem xét trách nhiệm những người ký kết quả xét nghiệm cho tài xế đạt yêu cầu để sau này mọi việc không chỉ quy kết trách nhiệm cho doanh nghiệp vận tải.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho rằng: “Tài xế cầm vô lăng họ phải ý thức được sinh mạng con người trên đường là quý giá, vô tội. Theo tôi thì các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, họ không ngại gửi báo cáo kết quả khám sức khỏe của tài xế cho cơ quan chức năng”.

Ông Quản cũng cho rằng việc các doanh nghiệp chậm trễ gửi báo cáo có thể vì họ bỡ ngỡ, chưa biết cách phối hợp với cơ quan chức năng. “Với góc độ là hiệp hội, chúng tôi sẽ có khuyến cáo gửi các doanh nghiệp sớm thực thi yêu cầu của đơn vị quản lý” - ông Quản nói.

}
Top