Đồng Nai: Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong những năm qua, việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đã đạt được các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Mặc dù số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm không thay đổi do tăng cường công tác tầm soát dịch bệnh, nhưng các chỉ số khác của dịch bệnh đã chuyển sang chiều hướng tích cực hơn.
Ảnh minh họa |
Do dịch tập trung các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, nên tỉnh Đồng Nai đầu tư chủ yếu cho công tác dự phòng, trong đó tập trung cho lĩnh vực can thiệp giảm tác hại. Chương trình phòng chống HIV/AIDS đã sử dụng kinh phí hợp lý, hiệu quả, trong đó 50% dành cho dự phòng lây nhiễm HIV, 30% dành cho hoạt động chăm sóc, điều trị; 15% dành cho giám sát dịch, theo dõi, đánh giá chương trình và 5% dành cho tăng cường năng lực quản lý Chương trình.
Nhờ làm tốt công tác tư vấn và điều trị ARV, số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS đã giảm hàng năm. Công tác phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được thực hiện thường xuyên; phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV chiếm trên 80% và 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận điều trị dự phòng mẹ con. Đa số đối tượng tiêm chích ma túy và mại dâm đã có ý thức và thay đổi hành vi để phòng, chống lây nhiễm HIV, số lượng bơm kim tiêm và bao cao su được phát miễn phí ngày một tăng.
Nhìn chung, dịch HIV/AIDS tại Đồng Nai vẫn ở giai đoạn tập trung (trên 5% ở các nhóm nguy cơ cao và dưới 1% ở nhóm phụ nữ mang thai); số người nhiễm mới HIV đã được kiểm soát từ năm 2006 đến nay, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát mới nếu không tiếp tục duy trì các can thiệp dự phòng hiệu quả, nhất là trong nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, đặc biệt là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.
Do đó, tỉnh Đồng Nai xác định mục tiêu cần bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, những mục tiêu cụ thể mà tỉnh đề ra, đó là tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách nhà nước của tỉnh, tiến tới ngân sách nhà nước ở địa phương (bao gồm cả nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ở Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia) bảo đảm nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai; đảm bảo ít nhất 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại DN; đảm bảo ít nhất 80% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT vào năm 2016 và đạt 100% vào năm 2020; tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu - chi cho các hoạt động của các dịch vụ này; đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm đúng quy định hiện hành…
Theo đó, tỉnh Đồng Nai huy động tài chính từ các nguồn khác nhau, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực. Tăng dần kinh phí đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS năm sau cao hơn năm trước ít nhất là 10% từ nguồn ngân sách địa phương, từng bước bù đắp nguồn kinh phí thiếu hụt do cắt giảm các nguồn tài trợ từ các dự án và ngân sách Trung ương. Đồng thời mở rộng tỷ lệ mua BHYT cho người nhiễm HIV thông qua việc tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV mua BHYT; hỗ trợ mua BHYT đối với những người nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo; đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT vào năm 2020. Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh dự tham gia của BHYT đối với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS ở địa phương...