Đồng Nai: Tăng cường các hoạt động hướng đến mục tiêu 95-95-95

07/12/2021 09:48

(Chinhphu.vn) - Đại dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra phức tạp làm ảnh hưởng đến các hoạt động của chương trình phòng HIV/AIDS từ tư vấn xét nghiệm đến điều trị và điều trị dự phòng. Trước tình hình đó, Khoa phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai cũng như các nhóm đồng đẳng (CBOs) đã triển khai nhiều hoạt động phù hợp, đặc biệt trong những tháng Đồng Nai thực hiện cách ly xã hội.

Nhóm Xuân Hợp (TP. Biên Hoà) tổ chức đa dạng các nội dung phòng chống HIV/AIDS qua hình thức trực tuyến

Triển khai đa dạng các hoạt động trong mùa dịch

BS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, nhân viên y tế xác định địa chỉ, điện thoại của bệnh nhân trong từng hồ sơ bệnh án để gửi thuốc về cho họ bằng đường bưu điện. Ngoài ra, phòng khám còn tạo mạng lưới đồng đẳng viên nhận thuốc hộ để gửi về bệnh nhân. Còn đối với bệnh nhân Methadone, phòng khám linh động chuyển gửi về cơ sở điều trị số 2 (thuộc TTYT TP. Biên Hòa) để bệnh nhân được điều trị liên tục. Khoa cử cán bộ xuống tận cơ sở để hỗ trợ bệnh nhân tại nơi uống mới. Riêng những bệnh nhân ở khu phong tỏa như Phước Tân, Hố Nai, phòng khám lập danh sách, hàm lượng thuốc gửi về Trạm y tế 7 ngày/lần nơi bệnh nhân đang sống. Qua đó, giúp bệnh nhân được uống thuốc đầy đủ. 

Cũng qua đợt thực hiện giãn cách xã hội, các nhóm CBOs trên địa bàn tỉnh chuyển các hoạt động của mình qua online một cách rầm rộ. Nhất là việc tổ chức những buổi  livetream qua Fanpage của nhóm về kiến thức cơ bản liên quan đến HIV/AIDS như: Người nhiễm HIV/AIDS có thể được tiêm vaccine COVID-19; người có nguy cơ cao liên hệ để nhận thuốc điều trị dự phòng PrEP như thế nào?...

Đơn cử như nhóm Xuân Hợp (TP.Biên Hòa), được sự hướng dẫn chuyên môn của Cục Phòng, chống HIV về tổ chức buổi livetream phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình dịch COVID -19, nhóm đã xây dựng kịch bản theo chủ đề, mời chuyên gia tư vấn từ Trung tâm Life hỗ trợ. Qua những buổi livetream, nhóm đã tiếp cận được nhiều hơn với những khách hàng của nhóm để hỗ trợ họ một cách thiết thực như cung cấp vật phẩm y tế; cung cấp các dịch vụ đến tận người bệnh bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận liên tục và an toàn các dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng HIV, tuân thủ điều trị.

Với cách làm linh hoạt trên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội (từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 9/2021), nhiều cơ sở điều trị nằm trong vùng cách ly y tế, nhiều bệnh nhân AIDS tham gia điều trị ARV nằm trong các khu phong tỏa không bị gián đoạn thuốc. Cụ thể với gần 2 nghìn bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV (trong và ngoài tỉnh) và 140 bệnh nhân uống Methadone, thuộc Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc Khoa phòng chống HIV/AIDS (CDC Đồng Nai) vẫn luôn nhận được thuốc đúng hẹn.

Việc điều trị ARV đối với bệnh nhân HIV/AIDS không liên tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả quá trình điều trị đó là giảm hiệu quả của thuốc, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Vì vậy, bảo đảm điều trị cho bệnh nhân HIV càng được quan tâm trong đại dịch COVID-19.

Tiếp tục tăng cường các hoạt động hướng đến mục tiêu 95-95-95

Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021, Ban chỉ đạo phòng chống AIDS tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh Đồng Nai triển khai nhiều biện pháp phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Đó là đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS; cung cấp các dịch vụ dự phòng và can thiệp giảm tác hại cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao; cung cấp điều trị và chăm sóc cho những người nhiễm HIV/AIDS; điều trị thuốc ARV sớm cho người nhiễm mới phát hiện (điều trị trong ngày); cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho người bệnh ổn định. Đặc biệt là mở rộng quản lý điều trị bệnh đồng nhiễm như đồng nhiễm HIV/Lao, đồng nhiềm HIV/Viêm gan C, bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV nhằm giảm tử vong ở người nhiễm HIV.

Trong Tháng hành động, do dịch COVID-19 nên không thể tổ chức các sự kiện trực tiếp và đông người, các địa phương tăng cường các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như Fanpage, Facebook, Tik tok, Zalo, các ứng dụng đặc thù có khả năng tiếp cận và được các nhóm nguy cơ khách hàng đích thường tiếp cận... các báo điện tử và các trang thông tin điện tử.

Tất cả các hoạt động nhằm bảo đảm mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone.

 Tháng 10/2021, toàn tỉnh ghi nhận 17 trường hợp mắc mới HIV, 9 trường hợp có địa chỉ thường trú tại Đồng Nai được đưa vào điều trị. Số lũy tích toàn tỉnh có 6.146 trường hợp mắc HIV/AIDS, chiếm tỷ lệ 0,19% dân số toàn tỉnh, đạt chỉ tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư <0,3%. Có 4.860 bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV (trong đó có 114 trẻ em). Hiện bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT đạt trên 95%. Về chương trình điều trị dự phòng bằng PrEP hiện toàn tỉnh có 11 phòng khám điều trị trong đó có 09 cơ sở điều trị công lập và 02 cơ sở tư nhân, tổng số lũy tích từ 2019 đến nay là 2.165 khách hàng. Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở điều trị Methadone với hơn 1,2 nghìn bệnh nhân đang điều trị.
Top