Đông Nam Á: Lợi nhuận methamphetamine lên tới 61,4 tỷ USD
Lợi nhuận hàng năm của hoạt động sản xuất và mua bán ma tuý bất hợp pháp ở khu vực Đông Nam Á ước tính lên đến 71 tỷ USD trong đó methamphetamine chiếm tỷ lệ cao nhất. Tính riêng lợi nhuận mua bán và sản xuất methamphetamine đã lên tới 61,4 tỷ USD. Con số này cao gấp 4 lần so với 6 năm trước.
Ảnh minh họa
Báo cáo của ông Inshik Sim, Nghiên cứu viên về ma túy bất hợp pháp của UNODC tại khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương tại Hội nghị Hội đồng Tư vấn AIPA về ma túy nguy hiểm lần thứ 3 (AIPACODD 3) cho thấy, các băng nhóm tội phạm có tổ chức tăng cường sản xuất ma túy như vậy nhằm mục đích mở rộng thị trường và chúng đã thành công.
Số liệu quốc gia về hồ sơ tiếp nhận điều trị ở Đông Nam Á cho thấy sự dịch chuyển của thị trường ma tuý, từ tiêu thụ các chất gây nghiện dạng opiat sang methamphetamine. Hiện tại, đại đa số người được nhận vào các cơ sở điều trị là do các vấn đề sức khỏe liên quan đến methamphetamine.
Thị trường methamphetamine mở rộng liên tục
Theo UNODC, các tiến triển gần đây chứng minh rõ ràng nguồn cung đã thúc đẩy thị trường methamphetamine mở rộng liên tục tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Các dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất methamphetamine trong và xung quanh khu vực Tam giác vàng cũng như các nước lân cận như Campuchia và Việt Nam ngày càng tăng và sự sụt giảm tương ứng về số lượng của các cơ sở sản xuất bị tháo dỡ ở các nơi khác trong khu vực, chứng tỏ hoạt động sản xuất methamphetamine hiện đang tập trung tại khu vực hạ lưu sông Mekong.
Các quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng liên tục các vụ thu giữ methamphetamine trong thập kỷ qua, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, các quốc gia trong khu vực xác nhận lượng ma túy bị thu giữ lên đến 115 tấn trong năm 2019. Điều quan trọng cần lưu ý là con số này chưa bao gồm dữ liệu của Trung Quốc với lượng ma túy bị thu giữ mỗi năm trong 5 năm gần đây lên tới 30 tấn/năm.
Một trong những diễn tiến chính ở thị trường methamphetamine là sự gia tăng rõ rệt và liên tục của nguồn cung methamphetamine ở dạng tinh thể so với methamphetamine ở dạng viên nén đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu sơ bộ cho thấy ít nhất 63 tấn ma túy đã bị thu giữ ở Đông Nam Á trong năm 2019, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.
Các băng nhóm tội phạm có tổ chức điều chỉnh các tuyến đường vận chuyển methamphetamine bất hợp pháp nhằm đối phó với các hoạt động của lực lượng thực thi pháp luật. Năm 2019, tình hình mua bán bất hợp pháp gia tăng dọc biên giới phía tây Thái Lan đã được các cơ quan chức năng chú ý, đồng thời, Lào và Việt Nam cũng báo cáo lượng methamphetamine bị thu giữ tăng lên, trong đó có các vụ thu giữ với khối lượng lớn kỷ lục. Sự gia tăng này chứng tỏ cả hai quốc gia đang trở thành cửa ngõ chính cho hoạt động mua bán ma túy bất hợp pháp ở khu vực.
Bên cạnh đó, mua bán ma túy qua đường hàng hải vẫn tiếp tục trong suốt năm 2019, nhất là dọc theo biển Andaman và eo biển Malacca, để tiếp cận các thị trường methamphetamine dạng tinh thể ở Indonesia và Malaysia và sau đó vận chuyển sang Úc, Nhật Bản và New Zealand.
Khoảng trống trong quản lý tiền chất
Hoạt động sản xuất methamphetamine đang ngày một tăng cao ở Đông và Đông Nam Á sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự gia tăng tương xứng trong các hoạt động mua bán vận chuyển và chuyển hóa các tiền chất.
Tuy nhiên, xu hướng của các vụ thu giữ gần đây liên quan đến các chất tiền chất methamphetamine chưa tương ứng với xu hướng của các vụ bắt giữ liên quan đến methamphetamine. Điều này báo hiệu những khó khăn trong công tác đối phó với tình hình thất thoát, chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán và sản xuất bất hợp pháp các tiền chất chính ngày càng gia tăng.
Phần lớn các vụ thu giữ gần đây do cơ quan chức năng Myanmar báo cáo chỉ ra rằng khu vực giáp ranh với Trung Quốc đang bị các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khai thác nhằm mua bán tiền chất. Một cửa ngõ quan trọng khác nữa trong hoạt động vận chuyển tiền chất vào Myanmar là ở phía nam bang Shan, giáp biên giới với Thái Lan.
Báo cáo từ chính quyền Myanmar cho thấy một số khu vực biên giới với Trung Quốc đang là địa bàn nơi các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia sử dụng để buôn bán tiền chất. Một điểm vào quan trọng cho dòng hóa chất vào Myanmar là phía nam bang Shan nằm ở biên giới với Thái Lan.
Các loại hóa chất bị bắt giữ tại Myanmar cho thấy sự xuất hiện của các phương pháp sản xuất methamphetamine mới. Tuy nhiên các hồ sơ báo cáo giám định ma túy của các quốc gia khác cho thấy ephedrine và pseudoephedrine vẫn là các tiền chất chủ yếu được sử dụng để sản xuất methamphetamine trong khu vực. Điều này chỉ ra những khoảng trống quan trọng trong quản lý nhằm giải quyết việc thất thoát, chuyển đổi mục đích sử dụng, sản xuất và buôn bán những tiền chất này.
Bên cạnh đó, methamphetamine cũng được bán với giá rất rẻ, thấp nhất trong vòng một thập kỷ vừa qua tại khu vực Đông và Đông Nam Á. Các báo cáo tại Australia, New Zealand, Hàn Quốc cũng cho thấy giá methamphetamine tinh thể giảm.
Những nước này cũng là những điểm đến quan trọng trong dòng luân chuyển ma túy từ khu vực. Trong khi giá methamphetamine giảm mạnh, độ tinh khiết của methamphetamine lại tăng lên và giữ ở mức cao ở một số nước. Nhìn một cách đơn giản, các nhóm tội phạm có tổ chức có thể cung cấp các sản phẩm methamphetamine “tốt” hơn, với giá rẻ hơn là do chi phí sản xuất đã giảm đi và mô hình buôn bán đã thay đổi.