Đồng Tháp: Chương trình phòng, chống mại dâm đạt nhiều mục tiêu

29/09/2020 17:41

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Tuyên truyền phòng, chống mại dâm. Ảnh internet

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 2.363 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, gồm 854 cơ sở lưu trú; 309 nhà hàng, quán karaoke, massage; 1.200 quán ăn, cà phê, tiệm cắt tóc, gọi đầu thư giãn... với hơn 2.540 nhân viên. Trong đó, khoảng 1.900 nhân viên có hợp đồng lao động, 1.407 nhân viên nữ.

Trong 5 năm qua, lực lượng kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội các cấp tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ được 3.877 lượt. Qua đó, phát hiện 621 cơ sở vi phạm, đình chỉ kinh doanh 8 cơ sở, cảnh cáo 425 cơ sở và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 188 cơ sở với số tiền trên 900 triệu đồng. Lực lượng Công an tăng cường công tác phối hợp triệt xóa nhiều tụ điểm hoạt động mại dâm. Từ năm 2016 đến nay, ngành công an tổ chức kiểm tra hàng trăm cuộc tại những cơ sở kinh doanh dịch vụ; phát hiện, triệt xóa 33 vụ hoạt động mại dâm, bắt 143 đối tượng; xử lý hình sự 5 vụ, xử lý hành chính 28 vụ với 138 đối tượng.

Bên cạnh đó, Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra như: 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương; đấu tranh, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh có biểu hiện liên quan đến tệ nạn mại dâm và các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; tất cả cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống mại dâm được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức…

Đặc biệt, năm 2018, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn  mại dâm” tại TP. Cao Lãnh và tiếp tục thực hiện mô hình này ở huyện Lai Vung vào đầu năm 2020. Mô hình này giúp người làm việc trong cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” được tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội; đảm bảo quyền của người lao động theo quy định của pháp luật, phù hợp với đặc thù công việc; nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Nhật Thy

}
Top