Đồng Tháp: Gần 4 triệu người được truyền thông phòng, chống HIV/AIDS
Nhờ triển khai Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, công tác can thiệp, dự phòng và truyền thông đã được đẩy mạnh. Ước tính có gần 4 triệu lượt người đã được truyền thông và thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
Phát thuốc cho người nhiễm HIV tại Đồng Tháp. Ảnh: TTKSBT tỉnh Đồng Tháp
Cụ thể, gần 4 triệu lượt người đã được truyền thông; cấp phát bơm kim tiêm tiếp cận khoảng 465 người nghiện chích ma túy, 64 phụ nữ mại dâm, 19 người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và 3 vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV; cấp phát bao cao su cho 464 người nghiện chích ma túy, 1.405 phụ nữ mại dâm, 223 MSM và 444 vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp, tính đến cuối năm 2019, địa phương điều trị cho 2.070 bệnh nhân nhiễm HIV, 81 bệnh nhân mới điều trị, 13 bệnh nhân bỏ trị; xét nghiệm tải lượng virus định kỳ cho 1.631 bệnh nhân đang điều trị ARV, 1.558/1.631 bệnh nhân dưới 1.000 bản sao/ml (đạt 95,5%) và 1.517/1.631 dưới 200 bản sao/ml (đạt 93%).
Công tác can thiệp, dự phòng và truyền thông ước tính có 3.998.867 lượt truyền thông; cấp phát bơm kim tiêm tiếp cận khoảng 465 người nghiện chích ma túy, 64 phụ nữ mại dâm, 19 người quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) và 3 vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV; cấp phát bao cao su cho 464 người nghiện chích ma túy, 1.405 phụ nữ mại dâm, 223 MSM và 444 vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm HIV.
Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tích lũy đã điều trị là 449 người và 183 bệnh nhân hiện đang được điều trị Methadone tại 2 cơ sở điều trị và 1 cơ sở cấp phát thuốc, đạt 449% chỉ tiêu Chính phủ giao.
Kết quả hoạt động của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2019 như: can thiệp, dự phòng và truyền thông, tư vấn và xét nghiệm HIV tự nguyện, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, quản lý điều trị ARV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con... nhìn chung đều đạt các chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức như: Số người nhiễm HIV mới tiếp tục tăng, bệnh nhân điều trị ARV quá tải tại 3 Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, Sa Đéc và Hồng Ngự; bệnh nhân đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu trong thẻ bảo hiểm y tế ở nhiều nơi gây khó khăn cho các phòng khám ngoại trú khi thanh toán ARV bằng bảo hiểm y tế...
Việc chuyển giao dịch vụ HIV/AIDS từ nhà tài trợ sang cho quốc gia, từ cơ sở dự phòng sang cơ sở điều trị ít nhiều thay đổi quy trình, thủ tục hành chính đã ảnh hưởng đến duy trì điều trị ARV của bệnh nhân (nhất là trong thanh toán bảo hiểm y tế), nhiều nhân viên y tế tại cơ sở y tế được chuyển giao chưa được đào tạo chuyên sâu về chăm sóc điều trị ARV, nên ảnh hưởng đến chất lượng điều trị ARV (bác sĩ trực tiếp điều trị HIV/AIDS phải có bằng chuyên khoa cấp I nhiễm).
Năm 2020, Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp đưa ra các mục tiêu: Duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng góp phần giảm 25% số trường hợp nhiễm HIV do tiêm chích ma túy và 20% số người nhiễm HIV do quan hệ tình dục so với năm 2015.
Mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quần thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV, góp phần đạt mục tiêu 90% số người còn sống nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình.