Đồng Tháp: Nhiều mô hình phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm
(Chinhphu.vn) - Trước sự phát triển vượt bật của công nghệ thông tin, thời gian qua Công an toàn tỉnh Đồng Tháp đã sử dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để thành lập các mô hình phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm.
Điển hình như: Công an TP. Sa Đéc với mô hình "Nhóm Zalo Cảnh sát khu vực kết nối với tổ nhân dân tự quản" và Công an huyện Châu Thành với mô hình "Tổ nhân dân tự quản trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm".
Để từng Cảnh sát khu vực trên địa bàn phường, kịp thời nắm thông tin về tình hình an ninh trật tự tại địa bàn do tổ nhân dân tự quản cung cấp, cũng như giải quyết, hướng dẫn thủ tục hành chính, thắc mắc từ người dân tại cơ sở. Tháng 4 năm 2019, Công an thành phố Sa Đéc đã thành lập mô hình: "Nhóm Zalo Cảnh sát khu vực kết nối với tổ nhân dân tự quản", đến nay đã nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố được 37 nhóm với 666 thành viên. Thông qua mô hình này, Công an thành phố đã tiếp nhận hàng trăm nguồn tin, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phổ biến pháp luật, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến… đến tổ nhân dân tự quản nắm, tuyên truyền đến nhân dân, giúp người dân nâng cao ý thức phòng ngừa, tố giác tội phạm và định hướng dư luận, ngăn chặn nhiều vụ việc không để phát sinh thành "điểm nóng" phức tạp về an ninh trật tự.
Không chỉ thông tin, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn người dân các thủ tục hành chính… Thời gian qua, mô hình này lực lượng Công an còn kịp thời tiếp nhận tin báo từ người dân về đối tượng lạ mặt đến địa bàn, giúp lực lượng Công an bắt giữ, triệt xóa nhiều đối tượng cướp giật tài sản, trộm cắp, vận chuyển hàng cấm, tụ điểm đánh bạc…
Tại địa bàn huyện Châu Thành, thời gian qua có mô hình: "Tổ nhân dân tự quản trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống tội phạm". Mô hình được thành lập từ tháng 8 năm 2018, Công an huyện đã phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện triển khai nhân rộng mô hình, đến nay có trên 1.000 tổ nhân dân tự quản, gần 40.000 thành viên.
Để duy trì và phát huy hiệu quả cao nhất từ mô hình tổ nhân dân tự quản trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống tội phạm, hàng năm Công an huyện phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện tổ chức khảo sát, kiểm tra, củng cố, nâng chất lượng hoạt động. Với phương châm: "Cầm tay chỉ việc", cán bộ Công an luôn bám sát từng tổ nhân dân tự quản và hướng dẫn cụ thể đối với thành viên quản lý Tổ. Đồng thời, phân công Công an viên phụ trách khóm, ấp trực tiếp hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ. Khó khăn hiện nay thành viên các tổ thực hiện công việc đảm bảo an ninh trật tự, và nhiều công việc khác nữa về an sinh xã hội, nhưng với tinh thần trách nhiệm các chú, các anh vẫn nhiệt tình ủng hộ cho phong trào, qua đó góp phần kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội khoảng 85%."
Bên cạnh công tác phối hợp với các thành viên của tổ nhân dân tự quản sinh hoạt định kỳ hàng quý, Công an huyện còn xây dựng đề cương tuyên truyền gởi Công an cơ sở chuyển cho các tổ nhân dân tự quản sinh hoạt, tuyên truyền cho người dân nắm về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm… 5 năm qua, các tổ nhân dân tự quản đã tổ chức tuyên truyền trên 1.500 cuộc với gần 68.000 lượt người tham gia, giáo dục cá biệt 676 trường hợp.Qua đó các tổ đã tiếp nhận và cung cấp trên 600 tin báo liên quan đến an ninh trật tự, giúp Công an huyện phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trên địa bàn.
Từ các mô hình trên, lực lượng Công an toàn tỉnh đã chuyển tải kịp thời các thông tin về tội phạm, giúp người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa, tố giác, góp phần kéo giảm theo từng năm về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng Công an với người dân tại cơ sở.