Đồng Tháp: Phối hợp chặt chẽ trong công tác điều trị nghiện
Cơ sở điều trị nghiện tỉnh Đồng Tháp đang quản lý trên 270 học viên. Đây được xem là số học viên nhiều nhất đang điều trị tại Cơ sở trong 5 năm gần đây. Số lượng học viên đông nên công tác phối hợp quản lý, điều trị nghiện luôn được Cơ sở đặc biệt chú trọng.
![]() |
Học viên tham gia hoạt động thể thao tại Cơ sở Điều trị nghiện Đồng Tháp
3 tháng đầu năm 2019, Cơ sở đã tiếp nhận điều trị cai nghiện tổng số 403 học viên (bắt buộc 304, tự nguyện 36, đối tượng xã hội 63). Số chấp hành xong quyết định của Tòa án và thanh lý hợp đồng cai nghiện tự nguyện về tái hòa nhập cộng đồng là 112 học viên, chuyển Cơ quan điều tra 14 trường hợp. Hiện nay, Cơ sở đang quản lý 277 học viên (261 học viên bắt buộc, 8 học viên là đối tượng xã hội, 8 học viên cai tự nguyện).
Trong số 304 người cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án, trong đó đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định: Tổ chức được 21 phiên họp tại Cơ sở điều trị nghiện, ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc 55 người; đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định: ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở điều trị nghiện 249 người.
Cơ sở tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục, điều trị, cắt cơn, giải độc, dạy nghề phù hợp với đặc điểm của từng học viên. Ngoài ra, trong công tác điều trị cai nghiện, Cơ sở điều trị nghiện đã trang bị đầy đủ thuốc chống sốc và an thần phục vụ cấp cứu cho học viên khi cần thiết để cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần. Thời gian qua, công tác điều trị cắt cơn, giải độc tại Cơ sở luôn được thực hiện tốt.
Công tác phòng, chống thẩm lậu ma túy vào Cơ sở thường xuyên được chỉ đạo thực hiện, kịp thời báo cáo ngành chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật khi phát hiện. Thời gian qua, việc quản lý người nghiện luôn được Cơ sở thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về cơ chế quản lý, các chế độ dành cho đối tượng... Hiện tại, tường rào xung quanh Cơ sở đã được xây dựng kiên cố, đồng thời hệ thống camera được lắp đặt để giám sát toàn bộ các hoạt động trong khu vực, qua đó cơ bản đảm bảo tốt cho công tác quản lý. Đến nay không còn tình trạng học viên bỏ trốn và chưa phát hiện trường hợp thẩm lậu ma túy vào Cơ sở.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy luôn được các sở, ngành và chính quyền, đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Từ đó, công tác quản lý, giáo dục, chữa trị, cai nghiện và quản lý sau cai được nâng cao, tác động mạnh mẽ đến nhận thức sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Đặc biệt, đối với các học viên đang cai nghiện tại Cơ sở, giúp họ an tâm trong quá trình cai nghiện và có sự tin tưởng vào cuộc sống mới, góp phần kềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.
Quy chế phối hợp lập hồ sơ người nghiện ma túy đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào Cơ sở điều trị nghiện và các chế độ hỗ trợ chữa trị, cai nghiện ma túy được điều chỉnh bổ sung theo quy định của Trung ương phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Các chính sách chế độ hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên quản lý và người nghiện được ngân sách địa phương đảm bảo. Đặc biệt là người cai nghiện ma tuý tự nguyện tại Cơ sở được hỗ trợ như người cai nghiện bắt buộc từ ngân sách địa phương, là cơ hội cho nhiều người nghiện được cai nghiện.
Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập điểm tư vấn chính sách, pháp luật trong điều trị cai nghiện ma túy cho người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy ngoài cộng đồng xã hội để họ đăng ký hình thức cai nghiện phù hợp. Tăng cường các hoạt động điều trị nghiện gắn với vui chơi, giải trí, thể dục thể thao lành mạnh, thực hành lao động giản đơn như: trồng trọt, chăn nuôi cho các học viên và mời một số chuyên gia thuyết giảng về chính sách pháp luật, giá trị đạo đức, lối sống của con người cho các học viên tại Cơ sở điều trị nghiện.