Đồng Tháp: Trên 90% người nghiện dùng ma túy tổng hợp

04/05/2020 08:49

Thời gian qua, công tác cai nghiện ma túy được các ngành, các cấp của tỉnh Đồng Tháp phối hợp thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình người sử dụng trái phép, người nghiện ma túy, đặc biệt là người sử dụng và người nghiện ma túy tổng hợp gia tăng nhanh, diễn biến phức tạp

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Theo số liệu điều tra thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an Tỉnh tính đến ngày 31/12/2019 trên địa bàn tỉnh có 2.475 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý (nam 2.387, nữ 88), trong đó, có trên 90% người sử dụng ma túy tổng hợp; ngoài cộng đồng 2.164 người; tại Cơ sở cai nghiện 311 người. Về độ tuổi dưới 16 đến trên 30 tuổi.

Năm 2019, Cơ sở điều trị nghiện đã tiếp nhận điều trị cai nghiện tổng số 667 học viên, trong đó năm 2018 chuyển sang có 214 học viên; tiếp nhận mới trong năm là 463 học viên2; hết thời gian chấp hành bàn giao cho gia đình quản lý 329 học viên. Hiện tại, Cơ sở Điều trị nghiện đang quản lý 380 học viên (bắt buộc 328, tự nguyện 38, đối tượng xã hội 14).

Người nghiện ma túy tổng hợp thường bị rối loạn thần kinh, tâm thần, có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác, trầm cảm… dễ bị kích động dẫn đến gây rối trong Cơ sở cai nghiện ma túy và cả ngoài cộng đồng.

Nhằm đẩy mạnh điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy, ngày 28/4/2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 98/KH- UBND điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân, gia đình và toàn xã hội để chủ động phòng, chống và kiểm soát ma túy. Từng bước ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do ma túy gây ra nhằm tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh.

Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ điều trị cai nghiện; tăng cường quản lý địa bàn, cơ sở cai nghiện và đẩy mạnh việc thực hiện đề án phối hợp truyền thông nhằm giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại tệ nạn ma túy. Kiềm chế tốc độ gia tăng người nghiện mới; giảm tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy trong cộng đồng, đặc biệt là trong nhóm có hành vi nguy cơ cao; tổ chức cai nghiện ma túy theo hướng có hiệu quả, bền vững; hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng; góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Kế hoạch đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu 100% đội ngũ công chức, viên chức trong tỉnh và 80% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp đổi mới dự phòng và điều trị nghiện. 50% số người nghiện có hồ sơ quản lý được điều trị, cai nghiện. Trong đó có ít nhất 30% số người được cai nghiện bắt buộc và tự nguyện tại Cơ sở điều trị nghiện; số còn lại được điều trị, cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các hình thức cai nghiện khác; 50% người nghiện có nhu cầu được tạo việc làm, giảm trên 3% tỷ lệ tái nghiện.

100% người đã hoàn thành điều trị, cai nghiện tại Cơ sở điều trị nghiện được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát phù hợp; đồng thời, tạo điều kiện giới thiệu việc làm, hỗ trợ cho vay vốn để người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghiện.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu triển khai các hoạt động mô hình điểm về “Hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” kết hợp với công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Duy trì các hoạt động của Điểm tư vấn chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy tại cộng đồng, đồng thời, đánh giá kết quả làm cơ sở đề xuất cho năm tiếp theo. Hoàn chỉnh, nâng cấp Chương trình cập nhật dữ liệu phần mềm phòng, chống tệ nạn xã hội vào phần mềm chung trong toàn quốc để quản lý, điều hành thông qua mạng Internet. Xây dựng chuyên mục truyền hình tuyên truyền về chính sách, pháp luật trong công tác quản lý cai nghiện ma túy và tình hình thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy.

Bên cạnh đó, tổ chức và tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ quản lý các cấp, các ngành về nghiện ma túy, cai nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng về dự phòng và điều trị nghiện ma túy; tư vấn điều trị nghiện ma túy, tiếp cận cộng đồng, sàng lọc, đánh giá và xây dựng kế hoạch điều trị cho người nghiện...

Ngoài ra, duy trì thí điểm mô hình cai nghiện, quản lý sau cai tại cộng đồng, giải quyết tốt vấn đề xã hội sau cai nghiện ma túy. Từng bước thực hiện công tác tư vấn, điều trị nội trú, ngoại trú theo Đề án chuyển đổi mô hình hoạt động Trung tâm dựa trên điều kiện sẵn có về cơ sở vật chất và cán bộ của cơ sở.

UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tư vấn, điều trị nghiện ma túy, dự phòng tái nghiện, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ người nghiện học nghề, tạo việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy; triển khai các hình thức tuyên truyền, giáo dục vận động người nghiện và gia đình tham gia công tác điều trị cai nghiện, quản lý sau cai nghiện.

Phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh liên quan hỗ trợ địa phương triển khai các hoạt động mô hình điểm về “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng” kết hợp với công tác tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng; đồng thời khảo sát, công tác điều trị, cai nghiện và nhu cầu điều trị nghiện, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại địa phương.

Top