Đột phá trong mô hình cai nghiện tại An Giang
Mô hình mới đã tạo được sự kết nối giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với cơ sở cai nghiện trong việc gắn cai nghiện với hòa nhập cộng đồng.
Mô hình “Mạng lưới câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” thực hiện thí điểm trên địa bàn 11 phường ở Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang được đánh giá có tính đột phá trong công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tại cộng đồng.
Tuy còn một số vấn đề nhất định tuy nhiên, mô hình mới đã tạo được sự kết nối giữa các địa phương với nhau, giữa địa phương với cơ sở cai nghiện trong việc gắn cai nghiện với hòa nhập cộng đồng.
Mô hình “Mạng lưới câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” gồm 3 hoạt động chính là nâng cao năng lực cho người đang cai nghiện tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh, trong đó chú trọng các học viên chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng và các hoạt động điều phối.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn tín dụng nhỏ dự án STEP do tổ chức CARE tài trợ, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh An Giang đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phành phố Long Xuyên, các câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tổ chức xét duyệt cho hội viên là người sau cai vay vốn làm ăn.
Trong dịp lễ, tết, các địa phương cũng kết hợp với câu lạc bộ thắp sáng niềm tin vận động nhà hảo tâm, doang nghiệp, đoàn thể xã hội tổ chức họp mặt, tặng quà cho người sau cai hoàn lương, tổ chức hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh cho con em hội viên.
Từ nguồn vốn vay 130 triệu đồng của Quỹ tín dụng nhỏ dự án STEP do tổ chức CARE tài trợ, từ năm 2010 đến nay, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh An Giang đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Long Xuyên, các câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tổ chức thẩm định, xét duyệt cho 28 người vay vốn với số tiền 112 triệu đồng.
Hiện người vay đã sử dụng số tiền vốn đúng mục đích, trả nợ cả gốc và lãi đúng kỳ hạn.
Các học viên được học nghề trong các trung tâm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang
Bên cạnh đó, bằng các nguồn quỹ xã hội từ thiện, Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương trong tỉnh đã xem xét, duyệt cho 64 người sau cai vay không tính lãi với số tiền 252,8 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình, xây tặng 6 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, sửa chữa 8 căn nhà cho người sau cai nghiện gặp khó khăn ổn định cuộc sống, thăm hỏi tặng quà trị giá 36 triệu đồng cho 120 người nhân dịp lễ tết.
Hỗ trợ gạo, tiền trị giá 12,8 triệu đồng cho gia đình có người nghiện ma túy đang đi điều trị, gặp có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời giới thiệu 59 lượt người tìm được việc làm ổn định cuộc sống.
Theo đánh giá của các đơn vị liên quan, mô hình đã làm giảm đáng kể tình trạng người nghiện ma túy sử dụng trái phép chất ở nơi công cộng, qua đó hạn chế tình trạng trộm cắp, cướp giật, mất an ninh trật tự do người nghiện ma túy gây ra, góp phần giữ vững an ninh trật tự được ổn định, nhất là trong những dịp lễ, tết. Mô hình còn làm giảm đáng kể việc gia tăng số người nghiện mới nhất là trong nhóm người từ 18 - 30 tuổi.
Đồng thời, giúp các địa phương thiết lập cơ sở dữ liệu về quản lý người nghiện ma túy, làm cơ sở xây dựng các biện pháp quản lý, giáo dục và kịp thời ngăn chặn, triệt phá các vụ án cướp giật, tàng trữ, mua bán ma túy do người nghiện gây ra.
Tỉnh An Giang tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy của các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị.
Chủ động cùng với Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh tổ chức đối thoại với chính quyền địa phương và gia đình học viên cai nghiện nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy công tác quản lý và tổ chức điều trị đạt hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, các ban ngành chức năng tích cực hướng dẫn thực hiện thí điểm mô hình “Mạng lưới câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn thành phố Long Xuyên.
Các ban ngành, đoàn thể, địa phương quan tâm động viên cán bộ, nhân dân phát huy tinh thần nhân ái tích cực tham gia quản lý, cảm hóa, hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có trên 4.300 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận quản lý, tư vấn tâm lý, điều trị cho 2.385 lượt học viên, quản lý giáo dục tại cộng đồng 246 đối tượng, hỗ trợ vay vốn tín dụng, hỗ trợ học nghề, tư vấn tìm việc làm, tư vấn pháp lý cho gần 200 người sau cai.
Ngoài ra tỉnh tổ chức duy trì hoạt động hiệu quả 03 điểm tư vấn, cấp phát thuốc điều trị thay thế methadone với 541 bệnh nhân.
Hiện tại do ảnh hưởng của tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trong cả nước cũng như khu vực phía Nam đang diễn biến phức tạp, nên tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng.
Độ tuổi người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng trẻ, chiếm tỷ lệ cao dễ làm phát sinh các trường hợp loạn thần, mất kiểm soát hành vi từ đó dẫn đến các vụ việc gây mất an ninh trật tự.
Một số địa phương chưa thật quan tâm đến việc quản lý, giáo dục, hỗ trợ người sau cai học nghề, giải quyết việc làm tái hòa nhập cộng đồng nên tiềm ẩn nguy cơ tái nghiện cao.
Các địa phương cần thiết lập cơ sở dữ liệu về quản lý người nghiện ma túy làm cơ sở xây dựng các biện pháp quản lý, giáo dục và kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật do họ gây ra.
Do đó đây là mô hình đáng được nhân rộng mô hình này để khống chế, tiến tới làm giảm tình hình tệ nạn ma túy hiện nay.
* Mô hình“Mạng lưới câu lạc bộ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng” đã hỗ trợ các câu lạc bộ đã tổ chức nhiều buổi truyền thông nhóm hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống ma túy (26/6), Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1/12) hàng năm với trên 2.000 lượt người tham gia.
Tổ chức 42 cuộc truyền thông với các chủ đề: dự phòng tái nghiện ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B, C và các bệnh hoa liễu, kỹ năng rèn luyện thể chất, tu dưỡng tâm hồn với 1.056 lượt người tham dự.
Các câu lạc bộ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương giới thiệu và chuyển gửi 122 lượt hội viên câu lạc bộ đi xét nghiệm và điều trị ARV, giới thiệu 126 lượt hội viên tham gia học nghề, giới thiệu việc làm cho 102 lượt hội viên, trong đó 59 người có việc làm ổn định (chiếm 57,84%).
Trong đó, các hội viên chủ yếu được giới thiệu công việc phụ xây, nghiệp đoàn bốc vác, công nhân xí nghiệp may mặc, chế biến thủy sản và giao hàng…