Dự án Vusta: Cộng đồng góp phần hỗ trợ các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS
Các tổ chức cộng đồng, xã hội không chỉ đóng góp tích cực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, mà còn góp phần bảo đảm kết quả bền vững trong công tác này. Để đạt được các mục tiêu trong hoạt động này, việc duy trì bền vững các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) và các hoạt động là rất cần thiết.
Duy trì bền vững các hoạt động của tổ chức CBO
Năm 2020, Dự án Vusta – Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS có sự giảm về số lượng các CBO và tiếp cận viên so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, do giữa năm 2019, Dự án Vusta bỏ quy định khống chế mức trần số khách hàng mà 1 tiếp cận viên phải chăm sóc nhằm tăng cường hiệu suất hoạt động những tiếp cận viên nòng cốt. Đồng thời, loại bỏ những nhân tố chưa thực sự hiệu quả.
Hoạt đồng truyền thông nhóm của CBO tại Đồng Nai. Ảnh: Thùy Chi
Tính đến hết tháng 6 năm 2020, toàn dự án duy trì 951 tiếp cận viên làm việc trong 89 tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho 5 nhóm chính của dự án (nghiện chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm, người nhiễm HIV, người chuyển giới). Ngoài ra, ở 5 tỉnh thuộc SCDI quản lý có truyển khai CHEER/RDS trong nhóm khách hàng nghiện chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới, những tiếp cận viên ưu tú, nhiệt huyệt trong các CBO sẽ được lựa chọn để tập huấn và trực tiếp tham gia vào tuyển chọn và chăm sóc khách hàng mô hình CHEER.
Tuy có sự giảm lược số lượng các CBO, nhưng nhìn chung về mặt chất lượng nhân lực các nhóm cộng đồng thuộc hệ sinh thái Dự án Vusta đang phát triển theo hướng bền vững, một số thành viên thuộc dự án và các nhóm cộng đồng đã thành lập Doanh nghiệp xã hội (Glink, Alocare, Hải Đăng, Venus, MSM-TG...), là đơn vị có tư cách pháp nhân được nhà nước công nhận, tự huy động nguồn lực, xây dựng các gói dịch vụ và cung cấp dịch vụ (tư vấn, truyền thông, xét nghiệm, khám và điều trị, vật phẩm can thiệp có chất lượng) ra thị trường dành cho cộng đồng là các nhóm khách hàng đích, các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu, góp phần cung cấp cho thị trường các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, STIs.
Thời gian qua, các tổ chức hoạt động dựa vào cộng đồng đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ ngành Y tế thực hiện các mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, mặc dù bị giảm về số lượng, nhưng Dự án Vusta vẫn chú trọng tăng cường năng lực cho các CBO trong hoạt động tiếp cận và cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV/AIDS.
Nằm trong kế hoạch ngân sách dự án giai đoạn 2018-2020, Dự án Vusta – Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS không có ngân sách phê duyệt cho các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho các tiếp cận viên cũng như cán bộ dự án trong năm 2020. Do đó, với những tiếp cận viên mới tuyển vào dự án, cán bộ dự án thông qua các buổi giám sát hỗ trợ tới tập huấn trực tiếp thông qua cầm tay chỉ việc. Các tiếp cận viên kỳ cựu, có kinh nghiệm cũng tham gia vào hoạt động giám sát và hỗ trợ các bạn tiếp cận viên mới.
Năm 2020 các SR không có hoạt động đào tạo chính thức nào được thực hiện vì không có dòng ngân sách. Tuy vậy, thông qua hoạt động giám sát định kỳ của các cán bộ dự án, và sự giám sát, hỗ trợ kỹ thuật của các cán bộ PAC/CDC và một số trung tâm y tế huyện, các tiếp cận viên tại các nhóm có thể nhận được kiến thức cơ bản về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và một số bệnh khác như viêm gan B, C, hoặc các STI, và được cập nhật những thông tin về chính sách liên quan, như bảo hiểm y tế, chính sách liên quan tới giảm hại, hoặc hướng dẫn báo cáo, quản lý hồ sơ, vật phẩm...
Đối với các tiếp cận viên tham gia vào mô hình CHEER/RDS, trực tiếp cán bộ dự án thuộc SCDI sẽ tổ chức buổi tập huấn chi tiết về các bước trong mô hình tuyển chọn khách hàng, dự án cũng huy động nguồn lực và sự hỗ trợ từ chuyên gia của DA US.CDC tham gia tập huấn thêm cho các tiếp cận viên về kỹ năng chuyển gửi PrEP, PEP.
Ban quản lý dự án Vusta cũng như các đơn vị tiếp nhận viện trợ phụ (SR) khác cũng xây dựng kế hoạch tham gia vào các buổi tập huấn và tuyển chọn khách hàng để học hỏi, góp ý và nhân rộng mô hình cho các địa bàn khác vào giai đoạn sau.
Tăng cường tiếp cận, chăm sóc và chuyển gửi khách hàng
Ngoài việc xây dựng và củng cố các tổ chức dựa vào cộng đồng, dự án chú trọng tăng cường tiếp cận, chăm sóc và chuyển gửi khách hàng đến dịch vụ dự phòng HIV. Trong tháng 5/2020 vừa qua, Quỹ Toàn cầu đã phê duyệt cho Dự án Vusta tái cấu trúc chương trình (reprogramming) và điều chỉnh chỉ tiêu cam kết của năm 2020 để thử nghiệm triển khai mô hình CHEER (Community HIV Epidemiological Evaluation and Response: Đánh giá Dịch tễ học và Can thiệp HIV dựa vào Cộng đồng), đồng thời là tiền đề cho kế hoạch áp dụng mô hình CHEER/RDS trong giai đoạn sắp tới 2021-2023.
Xét nghiệm HIV tự nguyện trong cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi
Số liệu từ bảng 2 cho thấy cả 3 SR đều đạt được chỉ tiêu cam kết về tiếp cận trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, toàn dự án tiếp cận được 45.577 khách hàng, đạt 108,9% so với chỉ tiêu cam kết. Trong đó, các đối tượng đích tiếp cận được với chương trình can thiệp đều vượt chỉ tiêu cam kết 6 tháng đầu năm lần lượt là 115,9%, 102,7%, 110,4%, 102,3%.
Kết quả đạt được là nỗ lực của cả 3 SR khi điều phối các CBO trong hoạt động can thiệp dự phòng mặc dù 6 tháng đầu năm thường rơi vào thời điểm Tết nguyên đán, những xáo trộn về nhân sự tiếp cận viên và tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Chỉ số cam kết quan trọng thứ 2 của dự án với nhà tài trợ là số khách hàng được xét nghiệm và biết kết quả HIV cũng vượt chỉ tiêu cam kết. Cụ thể, có tổng số 27.100 khách hàng được xét nghiệm HIV, chiếm tỷ lệ 59,5% trong tổng số khách hàng tiếp cận được từ đầu năm, tương đương vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra 109,4%.
Số lượng xét nghiệm 6 tháng đầu năm 2020 tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (số xét nghiệm 6 tháng năm 2019 là 32.575) do tình hình dịch COVID-19 diễn ra trong những tháng đầu năm gây khó khăn rất lớn tới hoạt động điều phối sinh phẩm và tiếp cận khách hàng để xét nghiệm. Tuy nhiên, hoạt động xét nghiệm tại cộng đồng, đặc biệt tại nhà khách hàng để bảo đảm tính riêng tư và an toàn trong mùa dịch đã phát huy tác dụng.
Sinh phẩm xét nghiệm ngoài loại SD (lấy máu đầu ngón tay) còn có thêm loại Oral test (lấy dịch miệng) cũng giúp dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn. Kết quả xét nghiệm sàng lọc nhanh HIV lại có độ chính xác cao khiến khách hàng rất yên tâm. Thêm vào đó, các CBO cũng rất linh hoạt trong sử dụng các kênh tư vấn giới thiệu về laytest như tư vấn trực tiếp hay thông qua mạng xã hội giúp gia tăng nhanh chóng số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ.
Theo kế hoạch reprogramming trong 6 tháng đầu năm 2020, dự án dự kiến thực hiện RDS trên 600 khách hàng MSM tại Hải Phòng và 450 khách hàng nghiện chích ma túy tại Thái Bình nhưng do kế hoạch được trình và phê duyệt vào cuối tháng 5 nên trong tháng 6, SCDI mới kịp triển khai CHEER/RDS trên nhóm nghiện chích ma túy tại Thái Bình. Kết quả tới 30 tháng 6, sàng lọc được 210 khách hàng tham gia RDS, sàng lọc được 21 khách hàng nhiễm HIV (cũ và mới) chiếm tỷ lệ 10% số khách hàng tham gia vào RDS. Tuy nhiên, tới thời điểm đầu tháng 8, sàng lọc RDS tại Thái Bình đã sàng lọc được 451 khách hàng nghiện chích ma túy với 49 trường hợp kết quả khẳng định HIV dương tính, 7 trong số 13 trường hợp có kết quả phát hiện tải lượng virus là có kết quả dưới 1.000 đv/ml máu. Trong đó, chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm mới HIV trong vòng 6 tháng qua nhờ test nhanh recency test.
Thời gian đầu thử nghiệm mô hình CHEER/RDS, bên cạnh những thuận lợi như được Ban lãnh đạo dự án quan tâm, hỗ trợ và kêu gọi sự ủng hộ từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Dự án US.CDC cũng tham gia hỗ trợ test xét nghiệm nhiễm mới HIV recency test và tập huấn (online) cho các tiếp cận viên tham gia tuyển chọn RDS tại Hải Phòng về chuyển gửi PrEP.
Ngoài ra, một trong những hoạt động khác được chú trọng đặc biệt nữa là truyền thông thay đổi hành vi, giảm kì thị phân biệt đối xử. Kết quả sau 6 tháng đầu năm 2020, toàn dự án đã tổ chức được 620 buổi truyền thông, tư vấn nhóm cho 23.050 khách hàng tham gia. Nội dung tư vấn, truyền thông tập trung xoay quanh các mục tiêu chính của dự án như: Dự phòng lây truyền HIV/AIDS, lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị sớm ARV, các lợi ích của điều trị Methadone, quy trình tiếp cận các phòng OPC, MMT, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV (PrEP, PEP).
Bên cạnh đó, các chủ đề về BHYT, viêm gan B, C, xử trí sốc thuốc và những kiến thức mới cập nhật như K=K (U=U), Ma túy tổng hợp (ATS), phương pháp tư vấn bạn tình/bạn chích chung,… cũng được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt định kỳ, truyền thông nhóm nhỏ để bảo đảm cập nhật những kiến thức mới tới cho khách hàng.
Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS” được Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ thực hiện trong 3 năm từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2020. Dự án do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) làm cơ quan chủ quản – chủ dự án, trực tiếp quản lý và thực hiện. Hoạt động chính của dự án là cung cấp các gói dịch vụ dự phòng HIV cho các nhóm khách hàng chính của dự án bao gồm người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục với nam, người chuyển giới nữ và hỗ trợ người nhiễm HIV, gặp khó khăn trong tiếp cận và điều trị HIV; củng cố các hệ thống cộng đồng bền vững và tương thích trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận các dịch vụ y tế.
|