Dự án VUSTA: ‘Điểm mới’ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS
Ngành y tế đang nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động nhằm đạt được 3 mục tiêu 90-90-90 đã cam kết với Liên Hợp Quốc. Để đóng góp vào những nỗ lực này, Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã kịp thời thực hiện hoạt động xét nghiệm HIV không chuyên do chính nhân viên cộng đồng thực hiện, mang lại những kết quả rất tích cực trong công tác này.
Để hiểu rõ hơn về hoạt động xét nghiệm này và hiệu quả của Dự án VUSTA trong thời gian gần đây, Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (Trang tin Tiếng Chuông) có buổi trao đổi với TS. Phạm Nguyên Hà, Phó Giám đốc Thường trực Ban Quản lý Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS.
TS. Phạm Nguyên Hà. Ảnh: Thùy Chi |
Gần đây, hoạt động xét nghiệm HIV do nhân viên cộng đồng thực hiện được đánh giá là hoạt động rất hữu ích, góp phần đạt được mục tiêu 90 thứ nhất (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình), xin ông cho biết rõ hơn về sự tham gia của Dự án đối với hoạt động này?
TS. Phạm Nguyên Hà: Ngoài các hoạt động chính của dự án, như: Tiếp cận, chăm sóc, chuyển gửi khách hàng đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV; truyền thông thay đổi hành vi, giảm kì thị phân biệt đối xử; cung cấp các dịch vụ cán thiệp giảm hại cho những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV; nâng cao năng lực cho cộng đồng... từ cuối năm 2016 đến nay, Dự án VUSTA còn thực hiện hoạt động xét nghiệm HIV không chuyên bằng phương pháp lấy máu đầu ngón tay do cộng đồng nhóm đích thực hiện (laytest).
Lần đầu tiên tại Việt Nam các tổ chức cộng đồng (CBO) đã chuyển đổi vị thế từ việc đơn thuần tiếp cận và chuyển gửi khách hàng tới các cơ sở y tế để xét nghiệm HIV sang việc trực tiếp cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng là dịch vụ được cung cấp bên ngoài cơ sở y tế, trong bối cảnh tự nhiên ở cộng đồng, ví dụ như điểm nóng, quán cà phê, quán bar, cơ sở sauna, văn phòng CBO, nơi làm việc, sinh hoạt cộng đồng và trường học,…
Tính từ cuối 2016 đến tháng 9/2017, hoạt động đã được triển khai tại Hà Nội và TPHCM. Đến cuối tháng 9, hoạt động đã được mở rộng ra 14 tỉnh, hỗ trợ nhiều cho các nhóm trong việc tạo thêm cơ hội xét nghiệm cho thành viên cộng đồng.
Để thực hiện an toàn, hiệu quả, theo đúng quy trình xét nghiệm của Bộ Y tế, các tiếp cận viên không chuyên xét nghiệm laytest đã được các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh/thành hỗ trợ tập huấn kỹ về kiến thức và kỹ năng, quy trình xét nghiệm lấy máu đầu ngón tay, giám sát quy trình thực hiện, lưu giữ kết quả phản ứng và chuyển gửi làm xét nghiệm khẳng định tại các cơ sở y tế có trách nhiệm theo đúng quy trình.
Kết quả thống kê cho thấy, tỷ lệ khách hàng nam quan hệ đồng tính (MSM), người tiêm chích ma túy (PWID), người lao động tình dục (FSW) được chuyển gửi thành công đến dịch vụ xét nghiệm HIV vượt chỉ tiêu cam kết năm 2017. Cụ thể, năm 2017, dự án cam kết với nhà tài trợ chuyển gửi 65% số lượng khách hàng được chăm sóc tiếp cận đến dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Thực tế đến hết tháng 9, trong tổng số 26.513 MSM được tiếp cận, chăm sóc, tỷ lệ được chuyển gửi sang dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV thành công là 66%. Tương tự nhóm MSM, tỷ lệ chuyển gửi thành công khách hàng đến dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV ở nhóm PWID là 67,4% và nhóm FSW là 66,1%.
Trong năm 2017, dự án VUSTA đã chuyển gửi tổng cộng 51.760 người trong đó bao gồm 27.542 người PWID, 16.928 MSM, 7.290 FSW đi xét nghiệm HIV (ước tính trên 50% được xét nghiệm không chuyên tại cộng đồng và đã phát hiện 2.238 người nhiễm HIV trong đó 1.260 thuộc nhóm PWID, 730 MSM và 248 FSW.
Một số ý kiến cho rằng, nếu không có các tổ chức cộng đồng tham gia thực hiện phương pháp xét nghiệm HIV tại cộng đồng, thì khó có thể đạt được mục tiêu 90 thứ nhất mà Việt Nam đã cam kết. Vậy Dự án VUSTA sẽ làm gì để bảo đảm và phát huy hoạt động này trong thời gian tới?
TS. Phạm Nguyên Hà: Báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS tại hội nghị tổng kết thí điểm triển khai tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, mới được tổ chức đã kết luận: “CBO và y tế thôn bản có khả năng cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV bảo đảm chất lượng và chính xác” và “tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng là cách tiếp cận sáng tạo, hiệu quả góp phần đạt mục tiêu 90-90-90”.
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính năm 2017, cả nước khoảng 9.800 người nhiễm HIV mới được phát hiện và có khoảng 1.900 người nhiễm HIV tử vong. Thực tế hiện nay, nhiều người nhiễm HIV vẫn chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Ước tính, còn hơn 50.000 người nhiễm HIV chưa biết tình trạng nhiễm HIV. Nếu không được xét nghiệm, tiếp cận điều trị, dịch vụ dự phòng, họ nguy cơ cao làm lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Trong khi đó, những người nhiễm và nguy cơ cao nhiễm HIV thường mang tâm lý mặc cảm, sợ bị kỳ thị, cô lập. Việc xét nghiệm với họ như là “cực hình” vì họ lo sợ mọi người biết được tình trạng bệnh của mình. Hơn nữa, việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế hiện nay không thuận lợi bởi sự phân biệt đối xử, thời gian chờ đợi lâu, chi phí đi lại tốn kém… Đây là những rào cản khiến nhiều người bị nhiễm HIV bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với các dịch vụ điều trị.
Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, người có nhu cầu xét nghiệm HIV có thể tự thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng… Kể từ khi triển khai đến nay, hầu hết người bệnh đã đưa ra những phản hồi tích cực về mô hình này. Mô hình này giúp đưa chương trình xét nghiệm HIV/AIDS, các dịch vụ dự phòng, chăm sóc tới cộng đồng, đặc biệt là ở tuyến xã vùng sâu, vùng xa, nơi kinh tế khó khăn. Qua đó, các cơ sở y tế sớm phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời cho người bệnh.
Một trong những ưu điểm chính của dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng là dễ tiếp cận và thuận tiện với khách hàng. Nhiều đối tượng nguy cơ cao tìm đến các cơ sở xét nghiệm tại cộng đồng vì họ cảm thấy yên tâm khi được chính những tiếp cận viên, đồng đẳng viên thực hiện. Họ không cảm thấy lo lắng, lộ thông tin, hay bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Chính vì vậy, dịch vụ này rất hiệu quả trong việc tiếp cận các nhóm khách hàng chưa bao giờ xét nghiệm HIV trước đây và những người có nguy cơ nhiễm HIV cao so với khách hàng sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV thông thường tại cơ sở y tế. Dịch vụ này cũng đem lại tỉ lệ kết nối dịch vụ thành công cao với xét nghiệm khẳng định chẩn đoán HIV và điều trị ARV.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án Healthy Market, hỗ trợ kỹ thuật cho 19 nhóm CBO do dự án Quỹ toàn cầu/VUSTA hỗ trợ cho 3 nhóm tại Nghệ An, 10 nhóm tại Hải Phòng và 6 nhóm tại Quảng Ninh thông qua SCDI.
Ngoài ra, thì dự án Healthy Market đã phối hợp với Trung tâm LIFE, ISDS và COHED hỗ trợ 16 nhóm CBO (9 nhóm ở TPHCM, 4 nhóm tại Hà Nội và 3 nhóm ở Nghệ An) với 143 nhân viên CBO được tập huấn (105 nhân viên ở TPHCM, 18 nhân viên tại Hà Nội và 20 nhân viên ở Nghệ An) để cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm nguy cơ cao, bao gồm MSM, PWID, FSW và SP.
Năm 2017 là năm cao điểm chuyển giao nguồn lực điều trị HIV từ nguồn viện trợ sang nguồn tài chính trong nước. BHYT cho người nhiễm HIV đang là chủ đề “nóng”. Xin ông cho biết Dự án VUSTA có hoạt động gì hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV bằng BHYT?
TS. Phạm Nguyên Hà: Trong Chiến lược Quốc gia phòng, chốngHIV/AIDS nhấn mạnh: “Bảo đảm cung cấp có hiệu quả các dịch vụ an sinh xã hội cho người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm và người bị ảnh hưởng, đồng thời tăng cường hoạt động vận động tham gia đóng BHYT và bảo hiểm xã hội”.
Công văn của Văn phòng Chính phủ số 2488/VPCP-KGVX ngày 11/4/2016 chỉ đạo phải bảo đảm 100% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT. Đây là giải pháp rất quan trọng để người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV kịp thời, bảo đảm sức khỏe, giảm tử vong, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Với mục tiêu tất cả người nhiễm HIV đều có thể tiếp cận điều trị ARV thông qua BHYT, Dự án đã triển khai vào tháng 6/2017 tại Hải Phòng. Theo chỉ tiêu cam kết trong năm 2017, nhóm hỗ trợ cho 720 khách hàng là người nhiễm HIV chuyển đổi điều trị HIV thành công sang BHYT và 50% số khách hàng sẽ được hỗ trợ tái khám và nhận thuốc đúng hẹn 3 tháng liên tục sau khi được chuyển đổi điều trị sang cơ sở điều trị bằng BHYT tuyến quận, huyện.
Dự án ưu tiên hỗ trợ 5 nhóm khách hàng, bao gồm: Khách hàng tại thời điểm tiếp cận chưa có BHYT và đang điều trị ở các bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố và tuyến quận/huyện và gặp khó khăn khi mua BHYT; khách hàng tại thời điểm tiếp cận đã có BHYT và đang điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố; khách hàng tại thời điểm tiếp cận chưa có BHYT và chưa điều trị ARV; khách hàng tại thời điểm tiếp cận đã có BHYT và chưa điều trị ARV; khách hàng tại thời đểm tiếp cận đã có BHYT, đang điều trị ARV tại tuyến quận, huyện và được đánh giá là gặp khó khăn.
Các gói dịch vụ sẽ hỗ trợ, cung cấp cho khách hàng là: Truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp thông tin về điều trị HIV, tuân thủ điều trị, cung cấp thông tin về BHYT…; chuyển gửi khách hàng tới dịch vụ y tế cần thiết: trọng tâm là chuyển gửi KH đến cơ sở điều trị HIV bằng BHYT tại tuyến quận, huyện; hỗ trợ khách hàng tái khám đúng hẹn sau khi chuyển đổi điều trị sang BHYT.
Dự án sẽ thông qua các nhóm tự lực của người nhiễm HIV, hỗ trợ các bệnh nhân điều trị HIV gặp khó khăn trong việc mua và sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh, điều trị ARV, nhất là ở giai đoạn chuyển đổi từ các phòng khám ngoại trú (do các dự án quốc tế tài trợ miễn phí) sang khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, bệnh viện và phải sử dụng thẻ BHYT.
Dự kiến năm 2018, Dự án sẽ hỗ trợ 7.924 bệnh nhân điều trị HIV; năm 2019 sẽ hỗ trợ cho 7.628 người và năm 2020 sẽ hỗ trợ cho 7.244 người.
Trong bối cảnh các nguồn tài trợ cắt giảm mạnh và xu hướng kết nối, hợp tác với các tổ chức để phát huy tối đa nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS. Xin ông cho biết, giai đoạn tới, Dự án sẽ chú trọng những hoạt động nổi bật gì?
TS. Phạm Nguyên Hà: Giai đoạn 2018-2020, “Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam sẽ tập trung vào các đối tượng đích bao gồm người nhiễm HIV, MSM, PWID, FSW, người chuyển giới (TG) và bạn tình của người nhiễm HIV. Các ưu tiên địa lý sẽ dành cho 22 tỉnh có gánh nặng bệnh dịch cao và 10 tỉnh có gánh nặng bệnh dịch trung bình, tập trung vào các trường hợp nhiễm HIV đã được báo cáo và ước tính nhu cầu điều trị ARV.
Đối với hoạt động can thiệp cho các nhóm đối tượng đích, chương trình sẽ tập trung vào 32 tỉnh dự án có tỷ lệ tiêm chích ma túy cao, chiếm 44% tổng số PWID; 29 tỉnh có số gái mại dâm cao, chiếm 21% tổng số FSW và 15 tỉnh có số MSM cao.
Tăng cường hệ thống cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS. Cuối năm 2020, sẽ có 97 CBO đủ năng lực cung cấp các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS cho các nhóm KP và vận động chính sách để các nhóm này có thể tiếp cận được các dịch vụ và đóng góp hiệu quả vào chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Trong bối cảnh các nguồn tài trợ cắt giảm mạnh và xu hướng kết nối, hợp tác với các tổ chức để phát huy tối đa nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS, dự án có những định hướng mới trong giai đoạn tới là: Mở rộng xét nghiệm HIV không chuyên do các CBO thực hiện tại các tỉnh dự án; kết nối điều trị ARV và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho các bệnh nhân HIV bỏ trị, mất dấu; hỗ trợ duy trì điều trị ARV cho bệnh nhân điều trị HIV chuyển từ các dự án quốc tế tài trợ sang BHYT.
Tập huấn về các kiến thức mới trong dự phòng HIV: Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PreP), sau phơi nhiễm (PEP), hỗ trợ người nhiễm HIV thông báo tình trạng nhiễm cho bạn tình/bạn chích; tập huấn về điều trị phục hồi cho người sử dụng ma túy; tập huấn về quảng bá và tạo cầu nhằm tăng tiếp cận vật phẩm y tế như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn, thông qua mạng xã hội và các kênh TV giải trí dành cho giới trẻ.
Điểm mới của Dự án trong thời gian tới là hỗ trợ các hoạt động liên quan đến dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm chuyển giới (TG). Đây là hoạt động hướng tới đối tượng đích mà trong bối cảnh các nhà làm luật đang quan tâm và thu thập các ý kiến để xây dựng dự thảo luật cho TG? Xin ông cho biết rõ hơn về hoạt động này?
TS. Phạm Nguyên Hà: Các tài liệu quốc tế cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm chuyển giới nữ ở nhiều nước cao ngang, thậm chí hơn so với nhóm MSM. Hiện tại Việt Nam chưa có các số liệu về người chuyển giới.Do các đặc điểm về nguy cơ tình dục không an toàn khác nhau như vậy nên các hoạt động dự phòng chủ yếu tập trung vào nhóm chuyển giới nữ hoặc chuyển giới nam nhưng có quan hệ tình dục với nam khác hơn là các nhóm chuyển giới chỉ quan hệ tình dục với nữ.
Chiến lược 2017-2022 của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS chỉ ra “nhóm chuyển giới nữ có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 50 lần so với dân số chung”. Theo WHO (2016) tỷ lệ nhiễm HIV trong một điều tra 7.197 chuyển giới nữ ở 10 nước có mức thu nhập trung bình ở Châu Á-Thái bình dương là 17,7% và điều tra 3.869 chuyển giới nữ ở 5 nước có thu nhập cao ở Mỹ và Châu Âu 21,6%.
Theo báo cáo của WHO (2016), phân tích gộp xuất bản năm 2013 đã chỉ ra nguy cơ đặc biệt cao lây nhiễm HIV trong nhóm chuyển giới nữ tại Mỹ, 6 nước Châu Á-Thái Bình Dương, 5 nước ở Mỹ La tinh và 3 nước ở Châu Âu, tỷ lệ nhiễm HIV chung là 19,1%. Trong số 7.197 chuyển giới nữ ở 10 nước có mức thu nhập trung bình, tỷ lệ nhiễm HIV là 17,7%. Trong số 3.869 chuyển giới nữ ở 5 nước có thu nhập cao, tỷ lệ nhiễm HIV là 21,6%.
Trong bối cảnh nguồn lực tài chính đang bị cắt giảm, Dự án sẽ lựa chọn các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất là các nhóm PWID, FSW và MSM, TG để tiến hành các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV. Nhóm TG là một đối tượng đích của dự án trong bối cảnh các nhà làm luật đang quan tâm để thu thập ý kiến xây dựng Luật chuyển giới.
Trong khuôn khổ của Dự án, vẫn sử dụng phương pháp tiếp cận đã sử dụng trong thời gian qua đối với các đối tượng khác. Đó là thông qua các CBO cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm chuyển giới.
Cụ thể, các hoạt động bao gồm: Truyền thông thay đổi hành vi; phát miễn phí và khuyến khích sử dụng bao cao su, chất bôi trơn; chuyển gửi khách hàng đến các dịch vụ y tế như tư vấnvà xét nghiệm HIV, điều trị ARV, điều trị các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục…