Đưa bộ tài liệu chuyên sâu về kỹ năng phòng chống ma túy vào trường học

22/06/2021 17:00

Đây là lần đầu tiên, học sinh trên cả nước có một bộ tài liệu mang tính chuyên sâu, giúp các em không chỉ nhận thức rõ tác hại của ma túy mà còn được hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn.

Bộ GD&ĐT, Viện PSD thông tin về bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy". Ảnh: Hoàng Giang

Bộ tài liệu do Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) biên soạn, được Bộ GD&ĐT thẩm định, phê duyệt.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công an - Cơ quan thường trực về phòng chống ma túy của Ủy ban Quốc gia  phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn.

Điều đáng nói là thành phần người nghiện rất đa dạng và đang trong độ tuổi rất trẻ. Trong đó, có cả người nghiện là học sinh, sinh viên. Ma túy đã và đang hủy hoại tương lai của nhiều thanh thiếu niên, lấy đi cơ hội giúp họ trở thành công dân có ích cho đất nước và đang đe dọa cuộc sống bình yên của hàng triệu người khác.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, Bộ GD&ĐT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ sẽ khảo sát, đánh giá thực trạng về công tác phòng, chống ma túy trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên, cán bộ đoàn, đội của các nhà trường…

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là học sinh được tiếp cận bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" trong trường học.

Trước đó, từ đầu năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Bộ GD&ĐT đã giao cho Viện PSD tổ chức biên soạn bộ tài liệu này với 04 đầu sách rất cụ thể cho từng đối tượng: Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, phụ huynh học sinh và các thầy cố giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Hàng chục nhà khoa học, cố vấn, chuyên gia, các giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, giàu kinh nghiệm và nhiệt huyết với công tác phòng chống ma túy đã được huy động để tham gia biên soạn bộ tài liệu này.

 Bộ tài liệu gồm 4 đầu sách dành cho học sinh THCS, THPT, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Ảnh: Hoàng Giang

Em Lê Thúy Hiền, học sinh lớp 11M2 Trường THPT Marie Curie (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng em mong muốn không chỉ được học kiến thức phổ thông tại nhà trường mà còn là những kỹ năng mềm hay kỹ năng sinh tồn. Em đã được các thầy cô cung cấp nhiều kiến thức liên quan đến phòng chống ma túy nhưng vẫn cần thêm các kiến thức và kỹ năng để có thể tự tin bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy. Em thấy bộ tài liệu rất hay, ý nghĩa và vô cùng cần thiết”.

Bà Nguyễn Thị Thịnh, phụ huynh học sinh trường THPT Trần Phú, Hà Nội bày tỏ: “Một thực tế lo ngại là những phụ huynh như tôi biết đến thực trạng ma túy nhờ vào báo chí và truyền hình, nhưng kiến thức một cách hệ thống và đầy đủ, cũng như kỹ năng để bảo vệ con mình trước ma túy thì lại thiếu. Tôi mong rằng khi triển khai bộ tài liệu này cùng các chương trình tuyên truyền và tập huấn được tổ chức, nhất định cơ chế phòng vệ cá nhân sẽ được thiết lập, từ đó sẽ hình thành cơ chế phòng vệ xã hội, tạo hệ “miễn dịch” cho cộng đồng ngăn ngừa ma túy xuống tới mức thấp nhất”.

Tham gia với vai trò cố vấn, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Cảnh sát (Bộ Công an) đánh giá cao chất lượng bộ tài liệu cả về nội dung, hình thức và phương pháp sư phạm.

“Đến thời điểm hiện tại, bộ sách là tài liệu hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay, hướng dẫn kỹ năng phòng chống ma túy học đường. Có thể coi như là "cẩm nang" cho cả thế hệ trẻ cũng như các bậc phụ huynh, giáo viên, các nhà quản lý giáo dục để tự bảo vệ mình, con em mình khỏi hiểm họa ma túy. Bước quyết định sắp tới là đưa bộ sách đến với tất cả các đối tượng học sinh trung học, phụ huynh học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để các kỹ năng thật sự thấm sâu vào nhận thức, tạo ra chuyển biến về hành động của từng đối tượng thì mục tiêu ngăn chặn bền vững, không để ma túy xâm nhập học đường mới thành công", Thiếu tướng Vũ Hùng Vương nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đánh giá đây là bộ tài liệu rất quan trọng, hướng dẫn chuyên sâu về tác hại các loại ma túy, kỹ năng phòng ngừa ma túy (những vấn đề đang thiếu hụt và thiết yếu đối với học sinh), là cẩm nang giúp các em nhận thức sâu sắc về về ma túy, tác hại của ma túy; giáo dục, trau dồi các kỹ năng sống tự hoàn thiện bản thân để có sức đề kháng trước ma túy, kỹ năng phòng ngừa từ xa, các tình huống nguy cơ, các kỹ năng tự bảo vệ mình.

Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch tổ chức tập huấn bộ tài liệu này nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cho không chỉ học sinh, sinh viên mà còn cha mẹ các em và các thầy cô giáo, nhà quản lý.

"Thực hiện chuyển đối số trong ngành GD&ĐT, về lâu dài, Bộ sẽ phối hợp với Viện PSD số hóa bộ tài liệu này để xã hội được sử dụng rộng rãi", Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết thêm.

}
Top