Đưa Methadone về vùng cao...
Đoàn chúng tôi gồm cán bộ y tế và các nhà báo bắt đầu rời thị trấn Mường Tè để đi lên xã Tà Tổng, Mường Tè ở Lai Châu vào lúc 6 giờ khi trời còn chưa sáng, để đến thăm cơ sở cấp phát thuốc Methadone - một loại thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đã được Bộ Y tế triển khai từ nhiều năm nay.
Mặc dù được anh Chu Pó Xá - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Tè cho biết đường xa đến gần trăm cây số và có thể không đến nơi nếu đi trời mưa nhưng chúng tôi vẫn rất háo hức đến xã cao nhất của huyện khó khăn và nghèo nhất nước này. Dừng chân ăn tạm bát mỳ tôm tại Nậm Khao khi trời vừa hửng sáng, anh Xá nói, còn khoảng hơn 30 km, tuy nhiên chắc phải mất tầm 2 tiếng nữa mới tới nơi. Chúng tôi hỏi anh Xá sao có 30 km mà lại mất những 2 giờ, anh trả lời thì cứ đi mới biết.
Đường vào Tà Tổng khiến ô tô cũng khó có thể vượt qua |
Khi xe ô tô chạy được chừng 6 km nữa thì mới đến cung đường gian nan. Đường chỗ thì sạt lở, chỗ đang thi công chờ xe ủi gạt phẳng hơn mới đi được, chỗ thì nhão nhoét. Tuy nhiên thêm một quãng nữa thì không ô tô nào có thể đi được. Chúng tôi hội ý quyết định để xe lại rồi anh Xá gọi cho xe máy trong xã ra đón. Trong khi chờ xe, chúng tôi đi bộ, càng đi càng thấy gian nan, lúc đầu còn lựa xem chỗ nào có thể đặt chân xuống đất cho an toàn nhưng rồi đường ngập bùn và không ai còn có thể giữ gìn được giày dép nữa. Cứ thế đi chừng 6-7 km rồi đội xe máy của xã cũng gặp chúng tôi. Dù ngồi xe nhưng do đường trơn trượt, do vậy hoặc lái xe liên tục sục hai chân chống xuống bùn chống đỡ, hoặc chúng tôi xuống phụ lái xe đẩy xe qua những chỗ khó khăn. Cuối cùng 11 giờ 30 chúng tôi cũng đến được điểm cấp phát Methadone tại xã Tà Tổng, nơi được coi là một trong các xã vùng cao và khó khăn nhất của huyện Mường Tè huyện khó khăn nhất cả nước của tỉnh Lai Châu.
Tà Tổng cũng là địa bàn trồng cây thuốc phiện khó triệt phá nhất của tỉnh Lai Châu, nên có rất nhiều người đã không thoát khỏi sự cám dỗ. Cơ sở cấp phát thuốc Methadone xã Tà Tổng đã triển khai từ 1 năm nay và hiện nay có 93 người nghiện thuốc phiện tại xã Tà Tổng đang được uống thuốc hàng ngày, sức khỏe của họ đã dần hồi phục, nước da không còn thâm đen, khuôn mặt cười cũng rạng rỡ hơn, đi lại, sinh hoạt cũng nhanh nhẹn hơn. Niềm vui này là cả sự nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mường Tè và Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu.
Đoàn công tác phải bỏ xe ô tô lại để đi bộ vào - Ảnh: Hữu Thủy |
Trao đổi nhanh với anh Thào A L, một người Mông dân bản Cô Lô Hồ, một người nghiện có thâm niên 6 năm cho hay, từ năm 20 tuổi anh đã lỡ vướng vào ma túy, rồi mắc nghiện. Từ khi mắc nghiện làm được đến đâu, tiền bạc, thóc gạo đều chui qua cái tẩu hút thuốc phiện hết, có khi bí quá còn bắt cả gà nhà hàng xóm đem bán. Nhìn vợ khóc lóc, con ốm không có tiền chăm sóc anh cũng muốn đoạn tuyệt với ma túy mà không làm nổi. Sau ba lần cai nghiện không thành, anh may mắn được cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh động viên, tư vấn về các tác dụng của việc cai nghiện bằng Methadone, hướng dẫn làm các thủ tục để được điều trị nghiện bằng phương pháp này.
Sau 1 tháng uống Methadone có sự giám sát của cán bộ y tế, sức khỏe của anh A L đã cải thiện trông thấy. Trước đây anh hút thuốc phiện 3 lần một ngày thì chỉ hơn 2 tuần sau anh không còn thấy thèm thuốc. Không còn phải nghĩ đến việc làm thế nào để có ma túy, anh lao động chăm chỉ và cùng vợ chăm sóc con.
Anh L chia sẻ, anh rất biết ơn các y, bác sỹ đã cùng chương trình Methadone đã đưa một chương trình hết sức ý nghĩa cho bà con Tà Tổng nói chung và gia đình anh nói riêng. Hiện nay 93 bệnh nhân uống thuốc đều đã có sức khỏe tốt, không còn nghiện ma túy và nhiều gia đình có tới vài người cùng nghiện uống thuốc Methadone hàng ngày đã có của ăn, của để, cuộc sống ngày càng no ấm hơn.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Tà Tổng hiện có khoảng 200 người nghiện, chủ yếu là thuốc phiện, một trong những địa bàn được đánh giá là có số người nghiện cao nhất huyện do vậy công tác giảm nghèo với xã những năm qua vẫn là một bài toán khó. Hàng năm huyện cũng đã đề nhiều giải pháp, trong đó, chỉ đạo các ban, ngành chức năng tập trung tuyên truyền về tác hại của ma túy với gia đình và cộng đồng; vận động người nghiện đi cai, thậm chí bắt buộc đi cai nghiện tập trung nhưng số cai nghiện xong trở về cộng đồng bị tái nghiện rất cao, khó kiểm soát. Do vậy, việc đưa Methadone và đặc biệt là việc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mường Tè cử cán bộ về khởi liều tận xã đã giúp người nghiện thuốc phiện của Tà Tổng tiếp cận dễ dàng hơn với biện pháp này.
Bệnh nhân uống Methadone tại Trạm Y tế xã Tà Tổng - Ảnh: Hữu Thủy |
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Chu Pó Xá - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, bước đầu thành lập cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động bệnh nhân vì hầu hết là dân tộc Mông, nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế, nhiều người không biết tiếng phổ thông, thậm chí không biết chữ. Giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đi bộ. Đội ngũ cán bộ y tế tỉnh, huyện và đội ngũ cán bộ trạm y tế xã Tà Tổng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương không quản khó khăn, ngày đêm đến từng bản, gõ cửa từng nhà người nghiện, kiên trì vận động, thuyết phục, hướng dẫn chu đáo các thủ tục. Với mong muốn hiệu quả tích cực từ Methadone mang lại sẽ giúp cho số người nghiện cũng như những hệ lụy từ người nghiện giảm đi. Nhờ những nỗ lực đó, hiện cả huyện Mường Tè đã có 466 người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đang điều trị tại 1 cơ sở điều trị và 7 cơ sở cấp phát. Có xã như Bum Tở đang điều trị cho 122 bệnh nhân.
Cũng nhờ nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế và hiệu quả bước đầu từ việc uống thuốc mà hiện nay tại Trạm y tế xã Tà Tổng đã và đang điều trị cho 93 người. Các bệnh nhân tham gia cai nghiện đều đã được tư vấn kỹ lưỡng cũng như thấm thía những gì do “nghiện ngập” gây nên cho nên đều tuân thủ đúng nguyên tắc của việc sử dụng thuốc. Địa điểm uống thuốc là Trạm Y tế xã, giúp người nghiện có cảm giác không bị xa lánh, kỳ thị và trong lúc điều trị vẫn có thời gian lao động kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống. Do đó, số người tự giác đăng ký uống thuốc ngày càng nhiều.
Như lời một lãnh đạo xã Tà Tổng trao đổi với chúng tôi trong bữa cơm trưa: “Việc điều trị thay thế bằng Methadone đã thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống của những người đã lỡ vướng vào ma túy. Họ không còn phải liều mình để có tiền thỏa mãn cơn đói thuốc cho nên tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn giảm hẳn; chất lượng sống của người nghiện được cải thiện. Nhiều người trước đây đi làm thuê suốt ngày được trả công bằng thuốc phiện hoặc còn không đủ tiền mua thuốc phiện thì hiện nay họ đã để tiền đó mua những vật dụng cần thiết cho gia đình và bản thân. Khi số lượng người nghiện giảm sẽ tạo được hiệu ứng tích cực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương”.
Chúng tôi cũng được cán bộ xã cho biết rằng: Mặc dù Methadone đã về đến tuyến xã, tuy nhiên có những bản vẫn còn cách xa trung tâm xã tới vài chục cây số nên người dân ở đó vẫn chữa thể tiếp cận được với Methadone. Ông mong rằng có mô hình đưa thuốc xuống cụm bản để người dân được tiếp cận với loại thuốc này.