Đưa Sơn La ra khỏi diện trọng điểm về ma túy của cả nước
(Chinhphu.vn) - Là địa bàn trọng điểm về ma túy, Sơn La có hơn 6.000 người nghiện, mỗi năm khởi tố hàng nghìn đối tượng liên quan đến ma túy. Với những giải pháp quyết liệt, trong thời gian tới, tỉnh đang phấn đấu ra khỏi diện trọng điểm về ma túy của cả nước.
Trong những năm qua, tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn Sơn La cơ bản được kiềm chế, kiểm soát, tuy nhiên vẫn diễn biến phức tạp tại một số huyện biên giới, tuyến, địa bàn trọng điểm
Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 6.486 người liên quan đến nghiện các chất ma túy có hồ sơ quản lý. Trong khi đó, công tác rà soát, phát hiện người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy ở một số địa bàn cơ sở còn bất cập; tỷ lệ số người tái nghiện còn cao (447/3403 người chiếm 14% người tái nghiện sau cai từ 01-05 năm); số người được hỗ trợ sau cai nghiện còn hạn chế (trong số 3.403 người quản lý sau cai có 724 người được tư vấn, 249 người được giới thiệu việc làm; 23 hộ được vay vốn...).
Hơn nữa, số người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy mới, sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy trẻ hóa và có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát, trong khi đó mô hình điều trị nghiện các chất ma túy dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là Methadone và Buprenophine chỉ áp dụng điều trị đối với các chất ma túy truyến thống.
Số người nghiện ngoài cộng đồng còn chiếm tỷ lệ lớn và chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đây là "nguồn cầu" tiêu thụ ma túy lớn, là một trong những nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác về trật tự xã hội.
Trong giai đoạn 2019 đến 2022, trung bình Sơn La bắt giữ 1.156 vụ, 1.503 đối tượng/năm. Số vụ phạm tội ma túy hằng năm luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ phạm tội trên địa bàn (trên 70%); vẫn còn hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện (trung bình triệt xóa 7.230m2/năm).
Tỉnh vẫn chưa giải quyết căn bản, hiệu quả các điểm, tụ điểm, đối tượng bán lẻ ở xã, phường, thị trấn; chưa triệt phá được những tổ chức, đường dây tội phạm, những đối tượng chủ mưu, cầm đầu mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài, từ địa phương khác vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ và luân chuyển đi các địa phương. Đây là "nguồn cung" gây nên tình trạng tội phạm, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, biến Sơn La thành một trong những địa bàn trung chuyển ma túy.
Năm 2022, qua thẩm định, đánh giá của cơ quan chức năng, tỉnh vẫn còn 84 xã, phường, thị trấn; 901 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 8 cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế có tệ nạn ma túy; 417 bản, tiểu khu, tổ dân phố; 88 xã, phường, thị trấn trọng điểm ma túy.
Công tác giữ vững, xây dựng địa bàn không có ma túy, chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc rà soát, quản lý, kiểm soát và giải quyết số người nghiện, người sử dụng ma túy trong cộng đồng, triệt phá điểm, tụ điểm tệ nạn ma túy để xây dựng các địa bàn "sạch" không có ma túy. Kết quả chuyển hóa chưa bền vững, số địa bàn được chuyển hóa còn thấp, chưa quan tâm giữ ổn định các địa bàn đã được chuyển hóa, để tình hình tái phức tạp trở lại.
Đáng chú ý, tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy đạt được ở giai đoạn này còn thấp hơn số địa bàn đã đạt được năm 2012 khi tổng kết thực hiện Kết luận số 03-KL/TU ngày 07/01/2006 của Tỉnh ủy (năm 2012 toàn tỉnh có 45 xã không có ma túy).
Kết quả công tác chuyển hóa phản ánh chưa tương xứng với sự quan tâm lãnh đạo, đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy của tỉnh, chưa gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân, của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị để xảy ra tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp kéo dài trên địa bàn; chưa lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn được giao phụ trách là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại cán bộ.
Làm sạch địa bàn đã khó nhưng giữ sạch địa bàn còn khó hơn
Trước tình hình trên, đầu năm 2023, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Đề án "Chuyển hóa, xây dựng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Sơn La không có ma túy, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
UBND tỉnh quán triệt châm "Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động thường xuyên, liên tục, quyết liệt". Có lộ trình cụ thể, tiến hành từng bước, thận trọng, củng cố xây dựng địa bàn một cách bền vững; "làm đến đâu, chắc đến đó", xác định nhiệm vụ làm sạch địa bàn đã khó nhưng giữ sạch địa bàn còn khó hơn, tính toán giao chỉ tiêu phù hợp theo từng năm, giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp khả thi, lấy phòng ngừa là chính, kiềm chế phát sinh số người nghiện, người sử dụng ma túy mới; tập trung rà soát tổng thể, đánh giá đúng thực trạng tình hình, nhận diện đúng, đủ hệ loại đối tượng, địa bàn để quản lý chặt chẽ và giải quyết có hiệu quả người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy; xử lý tội phạm, triệt xóa điểm, tụ điểm tệ nạn về ma túy; triệt phá đường dây, tổ chức tội phạm về ma túy; chuyển hóa, xây dựng địa bàn không có ma túy.
Đồng thời phân công, phân cấp, phân nhiệm cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, cơ quan, đơn vị với quan điểm "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm", gắn với trách nhiệm, thi đua của cấp ủy, tập thể lãnh đạo, đơn vị, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Phấn đấu đến hết năm 2023, Sơn La có 44/204 xã, có 1.359/2.303 tổ, bản, tiểu khu đạt không có ma túy; 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy; cuối năm 2024 có 68/204 xã đạt không có ma túy; 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy; cuối năm 2025 có 92/204 xã đạt không có ma túy; 100% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy; đến năm 2030, phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn không có ma túy; đưa Sơn La ra khỏi diện trọng điểm về ma túy của cả nước…
Ngay sau khi Đề án được ban hành, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai Đề án. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Hữu Đông đã đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hiệu quả. Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy từ cấp huyện đến cấp xã, tổ, bản; xây dựng kế hoạch chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, giao chỉ tiêu cho các ngành, các cấp, xã, phường, thị trấn, bản, tiểu khu, tổ dân phố cụ thể; lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ và đơn vị văn hóa hàng năm.
Với sự vào cuộc của các cấp các ngành, đấu tranh trấn áp của các lực lượng Công an và sự tham gia tố giác tội phạm từ nhân dân, hy vọng nhiều đường dây tội phạm về ma túy, các tụ điểm phức tạp về ma túy sẽ bị triệt phá; các điểm nóng sẽ được chuyển hóa thành những bản làng bình yên, người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no.
Hoàng Giang