Đứng dậy sau cú sốc tuổi 15
15 tuổi, Sèn Thị Oai bị lừa bán sang Trung Quốc. Đớn đau, nhưng cú sốc đầu đời ấy không là dấu chấm hết, trái lại nó là đòn bẩy giúp cô sống tốt hơn mỗi ngày. Oai sắp tốt nghiệp đại học, vừa tìm thấy hạnh phúc cuộc đời mình và sắp được làm mẹ.
16h30 phút, trời Lào Cai đổ cơn mưa lớn, chuông điện thoại réo liên hồi, Sèn Thị Oai (người dân tộc Tày) bắt máy, giọng nhỏ nhẹ: "Mẹ à, con đây. Mẹ đợi con một lát, con ra ngay".
Người ở đầu dây bên kia là mẹ chồng cô. Từ lúc về thực tập tại ngôi nhà nhân ái - nơi cưu mang những thiếu nữ bị lừa bán sang Trung Quốc trở về, đều đặn mỗi ngày bố mẹ chồng đều đưa đón Oai đi làm vì sợ con dâu có bầu vất vả.
Ánh mắt Oai lấp lánh hạnh phúc: "Gia đình chồng mình là người Kinh. Chồng mình đi làm ở huyện Văn Bàn, xa nên bố mẹ chồng đưa đón. Vợ chồng mới kết hôn hồi tháng 10. Bố mẹ chồng, chồng mình tốt với mình lắm".
Những ngày này, cô sinh viên ngành Công tác xã hội, trường
Đại học Lao động - Xã hội (Hà Nội) Sèn Thị Oai đang thực tập tại nhà nhân ái (Lào Cai) - nơi trước đây cô từng gắn bó. Oai là nạn nhân bị lừa bán qua Trung Quốc, sống nương nhờ nhà nhân ái khi được giải cứu trở về Việt Nam.
Cuộc sống trọn vẹn hiện giờ là điều mà 7 năm trước, cô gái trẻ chẳng dám mơ đến. Trước, hễ nhắc đến quá khứ là đêm về Oai giật mình thon thót, lúc nào cũng sợ "người ta tìm mình để giết".
"Những người bán mình đến bây giờ mình vẫn không biết cụ thể là ai. Nhưng mình lúc nào cũng nằm mơ, ám ảnh sẽ bị bắt đi một lần nữa. Cứ mơ lại bật dậy, ngồi ôm mặt khóc", Oai nhớ lại ám ảnh đau đớn đầu đời.
Bảy năm về trước, cũng là những ngày giáp tết như bây giờ, Oai vừa tròn 15 tuổi. Có người rủ một cô bạn của Oai lên huyện Mường Khương (Lào Cai) ăn tết. Cô bạn rủ Oai đi cùng vì "đi một mình hơi sợ".
"Bọn mình từ Sa Pa xuống Lào Cai, họ đưa vào một con đường rừng, bảo là đường tắt gần hơn. Khi bắt đầu nghi ngờ bị bán, họ dùng vũ lực để khống chế, bắt cả hai phải nghe theo. Họ đưa qua suối, sang bên kia đợi xe đến đón.
Mình và bạn bị bán cho bên môi giới của Trung Quốc. Họ tách hai đứa ra bán đi hai nơi khác nhau", Oai rành rọt kể như có thước phim quay chậm trong đầu.
Oai bị nhốt 3 ngày, người môi giới là người Mông, trong khi Oai và bạn là người Tày nên "khó bán hơn" vì bất đồng ngôn ngữ.
"Ông ta nhốt mình lâu quá nên phải làm sổ hộ khẩu giả, nói nhà mình nghèo quá, khổ quá nên có nguyện vọng sang bên kia để lấy chồng, gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Ông ấy bán mình cho một gia đình ở xa lắm, mất 4 - 5 ngày đường", Oai kể. Ở nhà chồng, cô gái mới 15 tuổi chỉ biết khóc.
Gia đình mua hỏi: "Sao muốn sang đây lấy chồng mà cứ khóc thế?". Ở lâu nên bập bẹ được mấy từ, Oai dùng giấy bút vẽ hai cái ô tròn rồi nối lại với nhau, ở giữa có cái ôtô, dùng hành động miêu tả mình bị trói đưa sang đây chứ không tự nguyện sang.
May mắn, không biết nghĩ sao gia đình mua Oai mang cô cùng toàn bộ giấy tờ giao cho công an Trung Quốc.
"Gia đình đó không biết mình bị bán, họ nghĩ mình tự nguyện, họ cũng chỉ là người mua thôi. Mình ở đồn công an mất 5 ngày, làm thủ tục chuyển giao này kia, sau đó họ đưa mình trở về Việt Nam", cô gái trẻ nhớ lại.
Từ ngày bị lừa bán đến ngày được trở về Việt Nam tròn 1 tháng. Năm ấy Oai ăn tết ở Trung Quốc, đón sinh nhật tuổi 16 cũng ở Trung Quốc.
Sợ hãi, ám ảnh, đó là cảm xúc những ngày đầu trở về. Ngày Oai mất tích, bố mẹ đi tìm khắp nơi, ai chỉ đâu cũng đi. Dù 12h đêm, người ta chỉ "nó ở chỗ này chỗ kia, trên rừng này kia", bố mẹ, làng bản cũng tất tả đi tìm, chạy vạy tiền khắp nơi để tìm kiếm con gái. Mẹ cô khóc nhiều lắm, ngất lên ngất xuống phải vào viện. Chỉ đến khi Oai đến được đồn công an, báo tin về thì mới thôi đi tìm.
Được giải cứu trở về Việt Nam, Oai xin nương nhờ nhà nhân ái để được đi học. Lúc ấy, bố mẹ cô lại là người áp lực nhất.
"Không thấy mình ở nhà, hàng xóm đàm tiếu nhiều, bảo mình đi sang Trung Quốc làm gái, mang tiền về cho bố mẹ. Áp lực quá, bố bảo mình về nhà đi, đừng đi học nữa, ở nhà mọi người thấy mày sẽ không nói này nói nọ", Oai nhớ lại.
Nhưng Oai quyết tâm phải học, chỉ có học mới giúp thay đổi cuộc đời mình, là cách duy nhất giảm bớt muộn phiền cho bố mẹ. Cô tâm sự nhiều với bố mẹ, cô cũng nhờ các cô, các chị ở nhà nhân ái đến động viên bố mẹ mình bỏ qua những lời đàm tiếu.
Dần dần mọi người nghĩ thoáng hơn, đến bây giờ làng xóm chẳng nghĩ Oai đi Trung Quốc "làm này kia nữa", người ta nói cô cũng chỉ là nạn nhân, bị lừa thôi. Cô gái cũng tự trấn an mình, tìm mọi cách để vượt qua sợ hãi, cân bằng lại cuộc sống.
Học hết cấp ba, Oai thi đỗ vào ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Lao động - xã hội và khăn gói xuống Hà Nội học.
"Thời điểm học ở Hà Nội cũng có người tán tỉnh, hẹn hò nhưng 2 năm đầu mình không dám yêu ai, mình sợ. Đến khi tham gia câu lạc bộ thể thao mới gặp được chồng mình, anh hơn mình một tuổi, cùng quê. Sau một thời gian, hai đứa yêu nhau.
Một năm sau, xác định lâu dài, mình mới dám nói thật câu chuyện của mình, may mắn anh ấy hiểu, anh nói đấy là chuyện quá khứ rồi, bây giờ như thế nào mới quan trọng", mắt Oai đỏ hoe khi nhớ lại.
Nhưng người yêu ra trường, đi làm, lại gặp trắc trở vì anh làm ở ngành Kiểm sát. Bị vướng bởi lý lịch của Oai, có lúc cả hai tưởng chừng phải dừng lại. Nhưng rồi mọi khó khăn cũng được giải quyết, tháng 10 vừa qua mình kết hôn và hiện đang mang bầu em bé, Oai nói, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.
Từ chính câu chuyện của mình, Sèn Thị Oai quyết định quay về nhà nhân ái thực tập - nơi đã từng cưu mang mình. Oai mong muốn được hỗ trợ, động viên các em nạn nhân, truyền động lực cho các em đứng lên, bắt đầu với một cuộc sống mới.
Nạn nhân được học nghề trong thời gian lưu trú tại nhà nhân ái
Oai còn tích cực đi tuyên truyền ở các thôn bản, lấy chính câu chuyện của mình để "rút ruột" nói với các em.
"Trước khi bị lừa, mình cũng nghe tuyên truyền rất nhiều nhưng luôn có suy nghĩ nó chả bao giờ xảy ra với mình đâu, nghe rất nhiều nhưng toàn ngồi ấn điện thoại" - cô bộc bạch.
Sau khi được học các kỹ năng ở nhà nhân ái cũng như học đại học chuyên ngành, Oai đến tuyên truyền tại các thôn bản, đặc biệt ở các trường học để các em không trở thành nạn nhân của kẻ buôn người.
Nhiều nạn nhân bị lừa bán trở về suy nghĩ rằng cuộc đời mình đã kết thúc rồi, nhưng Oai không cho phép mình từ bỏ.
"Phải làm gì đó để cuộc sống của mình khác đi chứ không thể dựa vào người khác. Người đời đã nhìn mình như thế nên mình phải làm sao để tốt hơn. Đừng mất niềm tin vào tình yêu, vào cuộc sống" - Oai nhắn gửi.
"Với các bạn đã trải qua cú sốc, không nên chọn cách giữ im lặng một mình, nếu ai đó có thể giúp, mình phải nói ra. Nói một lần thì ám ảnh, nhưng nhiều lần sẽ khác, mình chọn cách làm ấy", Oai chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Dung, nhân viên nhà ái cho biết năm 2012 khi được tiếp nhận về nhà nhân ái, Oai còn mặc cảm và đau khổ vì gia đình, bạn bè hay nhắc lại quá khứ. Được các cô ở nhà nhân ái động viên, Oai quyết tâm đi học tiếp lớp 11. Từ đấy, em luôn có ý chí phấn đấu, cố gắng học tập. Ở nhà nhân ái này, Oai là người đầu tiên học đại học, bà Dung tự hào nói./.