Đừng làm méo mó hình ảnh người đồng tính!
“Xã hội phân nam, nữ rõ ràng nhưng chúng tôi bị coi là “khuyết một tí” - Anh Phạm Văn Long, Trưởng nhóm Cát Trắng ở Hải Phòng tâm sự.
Và cũng chính cái “khuyết” đó để lại những tổn thương, đau đớn về tâm hồn cho anh cũng như những người đồng tính nam (MSM) khác, bởi sự kỳ thị, thiếu sự cảm thông của nhiều người trong cộng đồng, thậm chí ở cả người thân của họ.
Họ luôn mong được đối xử bình đẳng và được là chính mình. Ảnh minh họa |
Chôn giấu những niềm đau
Dù là người đứng đầu nhóm Cát Trắng (nhóm những người đồng tính nam ở Hải Phòng) và tham gia các hoạt động của MSM trên cả nước hơn 6 năm nay nhưng anh Long vẫn đề nghị không tiết lộ tên thật và hình ảnh của mình vì “còn kinh doanh” và “không muốn gia đình biết”.
Anh tâm sự: “Nhóm của chúng tôi là nhóm rất nhạy cảm, dù việc kỳ thị đã giảm rất nhiều nhưng ở địa phương vẫn chưa có sự cởi mở trong suy nghĩ của mọi người”. Bản thân anh là người hoạt động rất tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục vì lợi ích của những MSM. Nhưng trên thực tế, để tham gia và đứng ở vai trò trưởng nhóm như hiện nay là sự đấu tranh rất lớn của chính bản thân anh.
Biết mình là người “trái dấu” từ khi còn rất trẻ nhưng bao nhiêu năm trời anh đã chôn chặt những cảm xúc của mình. Một thời gian dài, anh không tiếp xúc với bất kỳ người nào trong “thế giới thứ ba” và những khao khát về tình cảm càng được anh giấu kín hơn bao giờ hết. Cũng lấy vợ như bao người đàn ông khác nên cả gia đình và vợ anh không biết đến niềm sâu kín của anh. Đến giờ anh vẫn giấu được gia đình bởi người vợ hiện đang làm ăn xa, thỉnh thoảng vợ chồng mới gặp nhau. Được sự động viên của những người làm công tác xã hội, tháng 4/2008, anh đã đứng ra thành lập CLB “Biển xanh” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với mục đích tiếp cận và truyền thông để MSM thay đổi hành vi trong quan hệ tình dục, phòng tránh lây nhiễm HIV.
Sinh năm 1975, anh Duy Thanh biết mình không giống các bạn trai khác và có tình cảm đặc biệt, quan hệ đồng giới từ năm 15 tuổi. Tuy thích nhảy dây, đánh cầu từ bé nhưng nhiều người xung quanh vẫn nghĩ Thanh là chàng trai bình thường. Nhiều lần bố mẹ giục lấy vợ nhưng anh cũng chỉ cười trừ. Biết chị dâu có người bạn gái là đồng tính sẽ có sự cảm thông nên Thanh tâm sự với chị. “Chắc chị dâu có nói gì đó với mẹ mình nên sau đó không thấy bà giục lấy vợ nữa”, anh cười hóm hỉnh dù đôi mắt vẫn ánh lên nỗi niềm đau đáu.
Ngồi bên cạnh anh Thanh là chàng trai Phi Hùng, SN 1991, có nụ cười dễ mến và đôi mắt đen, ướt như mắt con gái. Hùng có vóc dáng thanh mảnh, nước da trắng trẻo nên thường là người mẫu trình diễn thời trang trong các buổi tuyên truyền của nhóm. Khác với vẻ ngoài bẽn lẽn, khi trò chuyện Hùng có cách nói rất mạnh mẽ và cuốn hút. Hùng kể, tuy không nói nhưng cả gia đình và họ hàng đều biết em là đồng tính. Dù bố mẹ không mắng mỏ, đay nghiến như nhiều người khác khi biết rõ về con mình, họ tuyên bố: “Thích chơi kiểu gì thì chơi, đến tuổi thì phải lấy vợ”. Đáp lại, Hùng chỉ cười và nói: “Con cũng chẳng lấy vợ”, bởi em sợ mình không đem lại hạnh phúc cho người con gái lấy mình…
Vượt lên chính mình
Ngay sau khi dự án kết thúc, từ năm 2011 đến nay, anh Long vẫn duy trì hoạt động của nhóm và đổi tên thành Cát Trắng với những thành viên nòng cốt như Thanh, Hùng và một số người nữa. Nhóm hoạt động dưới sự hỗ trợ và giám sát của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS Hải Phòng.
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hải Phòng đã giúp đỡ nhóm rất nhiều trong việc cung cấp bao cao su và chất bôi trơn để họ có vật dụng đi tuyên truyền, tiếp cận và nhận được sự tin tưởng của các MSM. “Chúng tôi mong muốn có các dự án hỗ trợ và chúng tôi tin rằng mình sẽ thành công trong công tác phòng chống HIV/AIDS, góp phần giảm được tối đa sự lây truyền HIV trong cộng đồng”, anh Long khẳng định
Ước tính hiện ở Hải Phòng có khoảng 1.000 MSM. Nhờ hoạt động tích cực của nhóm, có tới 80% trong số MSM ở đây đã có sự thay đổi tích cực trong hành vi quan hệ tình dục, tự nguyện đến nhận vật dụng do tuyên truyền viên cấp phát (bao cao su và chất bôi trơn). Trước đây, mỗi một buổi truyền thông nhóm lớn (3 tháng/lần), chương trình thu hút khoảng 500 người trong đó có cả bạn bè, người thân, gia đình của MSM. Nhờ đó, nhiều người đã hiểu và giảm sự kỳ thị đối với họ. Anh Long cho biết, khi chuyển thành Cát Trắng, tiềm lực của nhóm có giảm đi nhưng hoạt động truyền thông vẫn được duy trì đều đặn. Mỗi tháng một lần, Cát Trắng tổ chức truyền thông nhóm nhỏ khoảng 40 người.
Trong số các MSM ở đây, số người công khai về giới tính của mình rất ít. Theo anh Long, các bạn tuổi teen dễ công khai hơn, còn những người nhiều tuổi hơn một chút thì e ngại vì họ còn gia đình, công việc. Ngay cả khi nhìn thấy người giống mình công khai, bản thân các MSM không thích vì trong xã hội nhiều người vẫn kỳ thị và họ rất khó vượt qua sự kỳ thị đó. “Trong tất cả các khóa vận động chính sách, khi CLB mới thành lập, chúng tôi gặp nhiều chuyện rất buồn. Khi đi tuyên truyền, chúng tôi còn bị một số người có chức năng nói thiếu thiện cảm gọi chúng tôi là kỳ dị, bọn “pê đê”, thậm chí còn xua đuổi dù chúng tôi được thành phố cho phép thành lập CLB và có thẻ thành viên. Chúng tôi mất rất nhiều công sức để giảm sự kỳ thị của mọi người”, anh Long cho biết.
Có được các kết quả như hiện nay, các tuyên truyền viên của nhóm Cát Trắng đã nỗ lực vượt qua định kiến của bản thân, của gia đình và xã hội, đặc biệt là những vất vả, hiểm nguy. Đặc thù của việc tuyên truyền là phải đi làm đêm, ở nơi những người đồng tính tụ tập vắng vẻ, nguy cơ tiềm ẩn cướp giật, bị sát hại là rất lớn.
Để xã hội, cộng đồng nhìn nhận như bao người bình thường khác, sống có ích và cống hiến cho xã hội, những thành viên trong nhóm Cát Trắng mong rằng họ được đối xử bình đẳng, được sống là chính mình. Bên cạnh đó, điều mong mỏi nhất của anh Long, Trưởng nhóm Cát Trắng cũng như tất cả những MSM khác, họ muốn được sự chia sẻ, không kỳ thị của mọi người. Đặc biệt, anh Long nhấn mạnh: Chúng tôi mong rằng các nhà báo nếu có viết thì hãy viết đúng sự thật và đúng thực tế đừng viết quá, thổi phồng hoặc làm méo mó hình ảnh khiến cho những người vốn dễ bị tổn thương như chúng tôi lại càng tổn thương hơn.