Đường về bản không xa

08/09/2015 15:13

Dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy, tôi cũng không hình dung nổi người đàn ông khỏe mạnh, hoạt bát với nụ cười tươi rói ngồi trước mắt mình đã từng là con nghiện, là đối tượng vận chuyển ma túy bị truy nã ráo riết. Những câu chuyện anh kể, dẫu đã xảy ra hơn 10 năm trước, nhưng vẫn là lời cảnh tỉnh hữu hiệu với nhiều người trước những cám dỗ của “nàng tiên nâu”.

Hạnh phúc đã trở về với vợ chồng anh Vương

Con đường lầm lạc

Theo chân cán bộ Đội Vận động quần chúng - Đồn Biên phòng Lóng Sập (tỉnh Sơn La), chúng tôi tìm đến nhà anh Vì Văn Vương, người dân tộc Thái, ở bản Pó Sập, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La. Đón chúng tôi tại căn nhà 3 gian mái Thái còn thơm mùi sơn mới, anh Vương và vợ anh - chị Vì Thị Pin - không giấu được một chút e ngại khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về quá trình từ bỏ ma túy để hòa nhập cộng đồng của anh Vương.

Câu chuyện được bắt đầu với việc trở lại thời điểm năm 2000, khi ấy, làn sóng ma túy đang càn quét nhiều bản làng nằm ở vùng biên giới giáp Lào. Bản Pó Sập cũng chịu chung tình cảnh này. Trong một thời gian ngắn, cả bản có tới 40% số người trong bản nghiện ma túy, chủ yếu là thanh thiếu niên và những người đã có vợ và 1- 2 con nhỏ.

Thời điểm này, anh Vương và chị Pin kết hôn cũng đã được 8 năm và có chung với nhau hai cô con gái xinh xắn. Mặc dù đã có gia đình, nhưng vì nông nổi, ham chơi nên chàng trai 25 tuổi Vì Văn Vương vẫn nghe theo lời bạn bè nghiện hút ma túy. “Bản Pó Sập chỉ cách biên giới Việt - Lào 7 km. Ban đầu, tôi cùng 2, 3 người bạn đi xe máy, thậm chí đi bộ sang Lào mua ma túy. Từ chỗ đua đòi hút cho bằng bạn bằng bè, tôi nghiện lúc nào không hay”- anh Vương kể.

Lúc mới nghiện anh giấu không cho gia đình biết, sau không thể kiềm chế cơn thèm thuốc, anh hút hít ngay tại nhà. Lần đầu tiên đi nương về bắt gặp anh hút, tôi ngỡ ngàng, đau khổ và lo âu vô cùng” - chị Pin chia sẻ.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Vương

Gương mặt của người phụ nữ Thái vẫn còn nguyên dấu ấn của một thời xuân sắc thoảng buồn khi nhớ lại những ngày đầu biết chồng nghiện ma túy. Khi đó, nhà có gì anh đều mang đi bán để hút hít, tiền làm ra không đủ thỏa mãn cơn nghiện của anh. Bảy tháng anh Pin chìm đắm trong nghiện ngập, gia đình anh điêu đứng trông thấy. “Bố mẹ, vợ nói tôi nhiều lắm. Sau 2 đêm suy nghĩ, tôi bảo vợ đem vứt 40 phân thuốc phiện còn trong nhà xuống suối rồi tự nhốt mình trong nhà. Ba ngày liền vật vã trong cơn thèm thuốc, đến ngày thứ 5 tôi mới ăn lại được vài thìa cơm”. Quyết tâm là vậy, nhưng cũng chỉ được 2 tháng dừng thuốc phiện, anh Vương lại tái nghiện, rồi bỏ nhà đi chơi lang thang, sang bản Lào tụ tập bạn bè hút hít ma túy cả tháng trời…

Và chuyện gì đến đã đến. Để có tiền hút hít ma túy, anh Vương đã nhận lời vận chuyển ma túy từ bản Muống, cụm bản Pa Háng - Huổi Hiềng, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào) xuống Hà Nội theo hướng dẫn của một ông chủ giấu mặt. Mỗi lần có lệnh, anh Vương sang Lào sẽ có người giao khoảng 2-3 lạng thuốc phiện, sau đó anh ra thị trấn Mộc Châu bắt xe khách xuống bến Mỹ Đình, tại đây sẽ có người ra nhận hàng. Tiền công vận chuyển mỗi lần là 2 triệu đồng. “15 năm trước, 2 triệu là số tiền không nhỏ, nhất là với gia đình thuần nông như nhà tôi. Nhưng tôi cũng không đưa về cho vợ. Có đồng nào, tôi lại đi mua thuốc hút và đi chơi với bạn bè”… Đến lần vận chuyển thứ 4, với lời hứa của ông chủ giấu mặt là “sẽ trả công cho 1 cái xe máy” thì anh Vương bị phát hiện và bị truy đuổi. “Trốn chui trốn lủi trong rừng, ăn đói mặc rách, chịu đựng sự lạnh lẽo được 5 tháng, tôi mò về nhà với vợ thì bị công an bắt”- anh Vương nhớ lại.

Bản án 16 năm tù dành cho anh Vương thêm một lần nữa khiến người vợ trẻ của anh suy sụp. Và trại giam Ninh Khánh, tỉnh Ninh Bình, chính là nơi để anh Vương có thời gian nghĩ lại về những lỗi lầm mà mình đã làm…

Phía trước là ngày mai

Ngày anh Vương thụ án trong trại giam, chị Pin nuốt nước mắt vào trong, ban ngày tất tả ngược núi vun vén ruộng nương, tối về lại chăm sóc 2 con nhỏ và bố mẹ chồng già nua, vất vả không kể xiết. “Nhiều đêm tôi lặng lẽ khóc thầm, chỉ mong sao chồng sớm hết hạn tù để về với gia đình”- chị Pin nghẹn ngào.

Vào trại giam, tôi là người dân tộc thiểu số đầu tiên của trại, lại thụ án cao nên bản thân rất mặc cảm. Cộng với việc lao động nặng nhọc, nên khát khao được tự do thường trực trong tôi. Giấc mơ về bản làng, về bố mẹ, người vợ tần tảo và 2 cô con gái bé bỏng cứ thường xuyên trở về trong những giấc ngủ. Những lần vợ vượt mấy trăm km đến thăm, hai vợ chồng nhìn nhau mà không cầm được nước mắt. Tôi tự nhủ sẽ quyết tâm cải tạo thật tốt để được hưởng chính sách đặc xá của Nhà nước” - anh Vương chia sẻ.

Anh Vương vui đùa bên cháu ngoại

Và niềm vui đã đến với gia đình anh Vương, sau 11 năm thụ án, tháng 4/2012 anh Vương được ra tù. Về nhà chưa được bao lâu, bạn bè trong bản đã rủ anh hút lại, bạn bè quen biết hồi đi trại cũng điện thoại rủ anh tiếp tục buôn bán ma túy. “Đồng tiền có được từ buôn bán ma túy bạc bẽo lắm. Tôi cũng không muốn tiếp tay để nhiều gia đình phải khổ vì có con nghiện như nhà tôi. Chính vì vậy, tôi đã thẳng thừng từ chối và cắt đứt quan hệ với những người bạn này. Để vực dậy gia đình, tôi áp dụng kinh nghiệm học hỏi được từ những ngày trong trại để tính toán làm nương sao cho hiệu quả cao nhất, thời gian còn lại thì đi làm thuê, đỡ đần vợ con”…

Ngồi chuyện trò với gia đình anh Vương trong sân nhà, ngắm những bồn hoa đang khoe sắc, nghe tiếng anh Vương nựng cháu ngoại, tôi hỏi chị Pin: “Hiện tại, bản Pó Sập vẫn còn nhiều người nghiện ma túy. Chị có lo cho anh nhiều không?”. Chị Pin cười: “Gần 4 năm anh về lại với gia đình, anh đã lấy lại niềm tin trong tôi. Hiện tại, anh cũng được chính quyền xã tin tưởng mời tham gia vào Phân hội nông dân, Phó an ninh bản, Phó ban bảo vệ rừng. Anh cũng thường xuyên tham gia các cuộc họp bản để tuyên truyền về tác hại của ma túy. Chủ yếu là những công việc không lương, nhưng anh vui lắm vì biết bản làng, bà con vẫn luôn dang tay giúp đỡ những người lầm lỗi trở về”.

***

Đường vào xã Lóng Sập giờ đây đã trải nhựa êm ru, nhưng tệ nạn ma túy vẫn là nỗi lo thường trực đối với xã vùng biên này. Với rất nhiều cố gắng của chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng, đến nay, những trường hợp cai nghiện và hòa nhập cộng đồng như anh Vương vẫn đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, câu chuyện của anh Vương được nhiều người nhắc tới. Câu chuyện cũng là minh chứng cho thấy: Tình yêu thương, sự động viên từ gia đình, bản làng luôn là yếu tố quan trọng nhất để những người lầm lỗi có con đường rộng mở trở về…
Top