Đường về nẻo thiện
Sau cai nghiện, việc tái nghiện là rất dễ nếu người trong cuộc không có quyết tâm, ý chí và sự chung tay hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng. Với tinh thần đó, mô hình Điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ra đời tại An Thạnh, Thuận An, Bình Dương như một điểm sáng trong công tác sau cai nghiện. Gần 10 năm thực hiện, mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực. Bằng sự kiên trì, nhiệt tâm của 15 thành viên, mô hình dần góp phần giảm tình trạng tái nghiện; giúp những đối tượng đã từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng…
Tiếng nói từ sự sẻ chia
Nói về những ngày đầu thành lập mô hình Điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh quản lý, bà Nguyễn Từ Thiện, Phó ban công tác Mặt trận khu phố Thạnh Hòa A, phường An Thạnh, tư vấn viên của mô hình, đã không thể nhớ nỗi mình đã từng gặp bao nhiêu người nghiện sau cai trở về địa phương.
Các thành viên trong Điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện trao đổi với anh Lê Bá Đ., người đã cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng thành công
Những năm 2012, thời điểm mô hình vừa được triển khai thực hiện tại địa phương, bà Thiện cũng như nhiều thành viên khác còn khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, từ những kiến thức được tập huấn, cộng thêm thực tế tiếp xúc với đối tượng nghiện, cai nghiện nhiều năm, bà Thiện và những thành viên trong Ban Chủ nhiệm (BCN) đã dần có thêm kinh nghiệm cho bản thân.
Nói về điều này, bà Thiện chia sẻ: “Người sau cai nghiện vốn dĩ mang tâm lý mặc cảm, không muốn tiếp xúc nhiều với cộng đồng xã hội. Họ cũng gặp khó khăn trong việc tìm việc làm vì không ai muốn nhận. Trong khi đó, người thân của những đối tượng sau cai nghiện không phải lúc nào cũng hợp tác, nhiều người còn ra sức cản trở việc tư vấn viên tiếp cận với các em. Vì vậy, mỗi lần tiếp cận với một trường hợp nào đó vừa trở về địa phương, các thành viên BCN đều phải băn khoăn tìm ra phương án tiếp cận phù hợp nhất. Đó có thể là sự tiếp cận từ từ kiểu “mưa dầm thấm lâu” từ phía người thân của người sau cai nghiện hoặc tiếp xúc trực tiếp với các em để trò chuyện, tư vấn.
Sau nhiều năm công tác trong lĩnh vực này, bà Thiện cho rằng cách tiếp cận dễ nhất là nhờ những thành viên của mô hình Điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện giúp sức. Ngoài BCN và những thành viên là đại diện một số đoàn thể tại địa phương như cựu chiến binh, cán bộ phụ nữ, Đoàn Thanh niên thì còn có sự tham gia của 10 thành viên là những em đã cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng thành công. Những thành viên này vốn dĩ đã kinh qua những năm tháng “chơi hàng trắng”, những vật lộn về tâm sinh lý trong thời kỳ cai nghiện và sau cai nghiện. Bản thân họ chính là câu chuyện sống động nhất để những đối tượng nghiện và sau cai nghiện quan tâm. Do đó, họ đã giúp sức mời những trường hợp sau cai nghiện ra quán nước để các thành viên BCN tiếp cận, tuyên truyền và hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe sau cai.
Trong những lần tiếp cận như vậy, các thành viên có dịp trò chuyện cởi mở, hỏi thăm các trường hợp sau cai nghiện về tâm tư, nguyện vọng và những định hướng trong tương lai. Nếu có nhu cầu muốn vay vốn làm ăn, muốn vay vốn để mua phương tiện đi lại, các thành viên mô hình sẽ tư vấn, hướng dẫn cho người sau cai nghiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong cuộc sống, nếu họ gặp khó khăn, bế tắc, các thành viên sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe và cùng nhau tìm hướng tháo gỡ khó khăn. Đó cũng là cách làm ý nghĩa mà mô hình này mang lại cho những con người đã từng lầm lỡ.
Làm lại cuộc đời
Hiểm họa từ ma túy là rất khó lường, nhiều gia đình đã tan nhà nát cửa vì ma túy. Câu chuyện nghiện, cai nghiện và tái nghiện cứ liên tục ám ảnh cuộc đời của nhiều thế hệ thanh thiếu niên lỡ dính vào con đường này. Có người đã ra đi mãi mãi vì vướng vào căn bệnh thế kỷ, không phải ai cũng đủ sức chống chọi lại với thần chết khi đồng hành với “nàng tiên nâu”. Tuy nhiên, vẫn còn những người đã và đang sống rất khỏe mạnh và hạnh phúc vì dứt bỏ được ma túy. Họ chính là đại diện cho những người cai nghiện thành công với ý chí và nghị lực cao độ.
Đó là câu chuyện của vợ chồng anh N.V.X. tại phường An Thạnh. Từ năm 1994, vợ chồng anh X. đã nghiện ma túy rồi nhiễm HIV. Oái ăm thay cả con gái cũng nhiễm HIV vì lây từ mẹ sang con sau khi sinh. Được sự động viên, tư vấn của đoàn thể, địa phương, đặc biệt là những tư vấn viên nhiệt tình như bà Thiện, vợ chồng anh X. đã chiến thắng bản thân. Cả gia đình điều trị bằng thuốc ARV theo đúng phác đồ y tế, sống lành mạnh, tích cực. Đến nay, họ vẫn khỏe mạnh và có cuộc sống hạnh phúc. Hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, tạo thu nhập ổn định, còn cô con gái đã bước vào cấp II.
Trường hợp anh L.B.Đ. cũng là một tấm gương về ý chí, nghị lực dành cho những người sau cai nghiện. Theo bạn bè rủ rê, buồn chán cuộc sống, năm 1997 anh Đ. “thử” một lần “chơi” hàng trắng. Kể từ đó, anh trở thành một con nghiện. Được sự động viên từ gia đình, năm 2000, anh Đ. quyết tâm đi cai nghiện. Trở về địa phương, vẫn vì buồn, vì rảnh rỗi, vì bạn bè xấu rủ rê, và… vì thèm thuốc, anh Đ. lại nhiều lần tái nghiện. Gia đình tiếp tục động viên, anh Đ. lại quyết tâm đi cai nghiện. Sau cai nghiện, anh được một số thành viên Điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện tuyên truyền, tư vấn và quyết tâm làm lại từ đầu. Khoảng 5 năm gần đây, anh Đ. sử dụng biện pháp thay thế ma túy bằng cách điều trị với methadone. Phương pháp thay thế này vẫn đang thành công với người nghiện heroin. Nhiều người nghiện ma túy đã cai nghiện thành công và hòa nhập cộng đồng nhờ được điều trị bằng methadone.
Ngày ngày, anh Đ. đều đặn đến Cơ sở điều trị methadone TP.Thủ Dầu Một để uống thuốc. Với phương pháp này, anh vẫn như một người bình thường sống vui vẻ, khỏe mạnh. Anh Đ. còn tu chí làm ăn, phụ gia đình chăm sóc vườn cây ăn trái ở phường Hưng Định và mở trại nuôi gà để kiếm thêm thu nhập. Nhờ làm việc chăm chỉ, mỗi tháng anh Đ. đem lại nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng để lo cho bản thân. Chia sẻ về mình, anh Đ. cho biết: “Tôi từng một thời chơi heroin và tái nghiện nhiều lần. Giờ nhờ có phương pháp điều trị với methadone mà hòa nhập được với cuộc sống. Mỗi ngày tôi đều uống thuốc đúng lịch, uống thuốc này tuy thỉnh thoảng hơi buồn ngủ nhưng tôi thấy mình vẫn như người bình thường. Tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn lao động và tạo ra thu nhập như một người bình thường”.
Không chỉ vợ chồng anh X. hay anh Đ. mà vẫn còn đó nhiều tấm gương những người sau cai nghiện, trở về địa phương và tái hòa nhập cộng đồng thành công. Để có được điều này, họ cần sự hỗ trợ từ gia đình, sự giúp sức từ cộng đồng xã hội, đặc biệt là những tư vấn viên nhiệt tâm của các câu lạc bộ, mô hình hoạt động vì cộng đồng. Điểm hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện vì vậy, nhiều năm qua đã luôn là một địa chỉ tin cậy cho những ai sau cai nghiện, muốn làm lại cuộc đời.