Gần 3.000 nạn nhân bị buôn bán trở về được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng
Theo báo cáo rà soát tình hình thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và hỗ trợ 2.961 nạn nhân bị buôn bán được các cơ quan chức năng giải cứu và tự trở về từ 2013 đến 2019.
Việt Nam luôn nỗ lực và đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người. |
Báo cáo do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp với Đại sứ quán Australia và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện.
Trong số 2.961 nạn nhân, có 2.891 nạn nhân là nữ và 528 người (18%) ở độ tuổi dưới 18. Nạn buôn bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới. Hành vi mua bán người ngày càng tinh vi và xuất hiện thêm nhiều hình thức mới như mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê....
Theo báo cáo, toàn bộ các nạn nhân kể trên đều được hỗ trợ theo yêu cầu. Trong đó, 2.216 người được hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu; 1.347 người được hỗ trợ y tế; 2.105 người được tư vấn tâm lý, 1.003 người được trợ giúp pháp lý, 103 người được hỗ trợ học văn hoá hoặc học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu và 72 người được vay vốn sản xuất.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu đến năm 2015 và duy trì đến năm 2020 có 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Số liệu cho đến năm 2019 cho thấy chỉ tiêu này đạt kế hoạch đề ra.
Được biết, Bộ LĐ,TB&XH đã vận hành đường dây nóng hoạt động 24/24 giờ dành cho các nạn nhân buôn người và nạn nhân của các tội phạm khác. Ngoài ra, có 94 trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trung tâm dịch vụ xã hội được vận hành nhằm trợ giúp nạn nhân trên cả nước.
Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù phải tập trung đối phó với dịch Covid-19 nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương vẫn luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm và triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn loại tội phạm này.
Bên cạnh việc triển khai Chương trình Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 và Luật Phòng, chống mua bán người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP).
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg (ngày 9/2/2021) về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nguy cơ mua bán người, giảm tội phạm mua bán người, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả các nạn nhân của thực trạng mua bán người.
Việt Nam đã lấy ngày 30-7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Các bộ, ngành, địa phương cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng.