Gần 36 triệu người lạm dụng thuốc giảm đau
Theo kết quả thống kê do Viện Nghiên cứu quốc gia về lạm dụng thuốc Mỹ (NIDA), trên thế giới hiện có gần 36 triệu trường hợp đang nghiện hoặc lạm dụng thuốc giảm đau.
![]() |
Riêng tại Mỹ, số người bị rối loạn sử dụng chất gây nghiện liên quan đến thuốc giảm đau opioid kê theo toa là khoảng 2,1 triệu người, số người nghiện heroin là 467.000 người. Ước tính trung bình có khoảng 100 người chết/tháng do dùng thuốc quá liều. Mỗi ngày có 49 bệnh nhân mới được kê toa thuốc giảm đau trong phòng cấp cứu. Thống kê còn chỉ rõ, thời gian nằm viện càng lâu, bệnh nhân càng dễ có nguy cơ phụ thuộc vào thuốc giảm đau.
Hiện nhiều bệnh viện ở Mỹ đang bắt buộc áp dụng các biện pháp thay thế thuốc giảm đau trong quá trình điều trị chấn thương.
Tại Baltimore (Mỹ), một phương pháp mới nhằm hạn chế thuốc giảm đau đã ra đời. Phương pháp này sử dụng kỹ thuật phong tỏa dây thần kinh để bệnh nhân mất cảm giác đau. Thuốc tê không gây nghiện sẽ được tiêm vào đường ống nối với dây thần kinh ở bộ phận bị chấn thương, sau đó các bác sỹ mới tiến hành phẫu thuật.
Phương pháp này sẽ giúp ngăn cơn đau từ 24-48 giờ đầu tiên sau phẫu thuật, đồng thời giảm đáng kể số thuốc giảm đau gây nghiện được tiêm vào cơ thể bệnh nhân. Hiện các bác sỹ Mỹ đang tìm cách tiếp tục hạn chế dùng thuốc giảm đau để điều trị chấn thương trong dài hạn.
Trong năm 2016, có đến hơn 30.000 người ở Mỹ tử vong do sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc có chất gây nghiện quá liều. Đặc biệt, số ca tử vong vì thuốc giảm đau ở bang Ohio tăng 36% so với năm 2015.
Hiện trên toàn nước Mỹ có khoảng 3 triệu trẻ em phải sống với ông bà, họ hàng hoặc người bảo trợ. Ở các bang Kentuckey, Ohio, có đến 68.000 trẻ mồ côi hoặc có cha mẹ phải đi cai nghiện, trong đó phần đông các trẻ ở độ tuổi từ 14-16, nhóm tuổi đang phát triển và dễ hư hỏng nếu không được giáo dục tốt. Gần 40% số ông bà chăm sóc cháu đều trên 60 tuổi và cứ 5 gia đình lại có 1 gia đình sống dưới mức nghèo khổ.