Gần 4.000 người được cung cấp dịch vụ phòng chống HIV nhờ đề án thí điểm hợp đồng xã hội

27/12/2023 17:09

(Chinhphu.vn) - Đây là kết quả của đề án thí điểm hợp đồng xã hội được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố bao gồm Nghệ An, Đồng Nai, Tây Ninh, Điện Biên, Tiền Giang, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ và Kiên Giang.

Gần 4.000 người được cung cấp dịch vụ phòng chống HIV nhờ đề án thí điểm hợp đồng xã hội- Ảnh 1.

Xét nghiệm HIV trong cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi

13 hợp đồng ký kết thành công với các tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội trên 9 tỉnh, thành phố đã cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV cho gần 4.000 khách hàng.

Theo Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2023, hầu hết tổ chức cộng đồng và doanh nghiệp xã hội tham gia thí điểm đều gần như đạt 100% chỉ tiêu.

Ngoài ra, số lượng khách hàng nhận bơm kim tiêm và chuyển gửi tới điều trị Methadone tại tỉnh Điện Biên là 175%, xét nghiệm HIV và chuyển gửi điều trị ARV và PrEP ở Đồng Nai, Tiền Giang, Cần Thơ, Bình Dương đều vượt trên 100%.

Hợp đồng xã hội là một bản hợp đồng có tính ràng buộc về pháp lý giữa đại diện một đơn vị của nhà nước (bên A) và đơn vị ngoài nhà nước - là tổ chức xã hội (bên B), qua đó bên A trả tiền để bên B cung cấp các dịch vụ được yêu cầu với chi phí theo thỏa thuận.

Hợp đồng xã hội giúp các tổ chức xã hội có được nguồn ngân sách để tiếp tục các hoạt động của mình. Ứớc tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức xã hội có thể đóng góp 25-50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống dịch.

Một số dịch vụ HIV mà các tổ chức xã hội cung cấp thông qua hình thức hợp đồng xã hội đang triển khai tại Việt Nam bao gồm: Cấp phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn phòng lây nhiễm HIV; giới thiệu khách hàng tiếp cận điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone); kết nối người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV hay người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PreP)...

Ths.BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, thí điểm mua sắm dịch vụ phòng chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp, được triển khai trong bối cảnh nguồn ngân sách tài trợ của các tổ chức quốc tế bị cắt giảm từ năm 2014, tiến tới chấm dứt hỗ trợ.

Theo Ths.BS Võ Hải Sơn, đây là thách thức lớn đối với các tổ chức xã hội trong việc tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch cũng như duy trì hoạt động của mình. Cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu (hợp đồng xã hội) cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội được coi là một trong những lựa chọn phù hợp.

Báo cáo cập nhật toàn cầu của UNAIDS năm 2023, hình thức ký kết hợp đồng xã hội đang được thực hiện ở 18 trong số 59 quốc gia được nghiên cứu.

Ngoài ra, hợp đồng xã hội cũng đang bắt đầu được giới thiệu ở 16 quốc gia khác. Ở châu Á, một số quốc gia như Bangladesh, Afghanistan, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Campuchia, đã sử dụng hình thức hợp đồng xã hội để huy động các tổ chức xã hội tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn lực trong nước.

Việt Nam chưa có chính sách cụ thể để triển khai hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng, thực hiện thí điểm và đánh giá rút kinh nghiệm từ các mô hình thí điểm là cần thiết để xây dựng một chính sách phù hợp, là bước đệm để Bộ Y tế có những có hành lang pháp lý phù hợp, giúp các tỉnh, thành phố chủ động trong công tác phòng chống dịch.

Ths.BS Võ Hải Sơn đánh giá, việc triển khai thí điểm sẽ giúp đánh giá tính phù hợp của các gói dịch vụ, hình thức đặt hàng hay đấu thầu mua sắm dịch vụ với các tổ chức xã hội...

Nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai toàn diện các can thiệp phòng chống dịch, từng bước kiểm soát HIV. Thống kê cho thấy, ước tính trong 20 năm qua, cả nước đã dự phòng cho khoảng 900.000 người không bị nhiễm HIV và 250.000 người không bị tử vong do AIDS.

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9 năm 2023, theo báo cáo giám sát phát hiện cả nước có 231.481 người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9 năm 2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 100% số quận/ huyện và trên 99,98% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Bộ (38,67%) và Đồng bằng sông Cửu Long (19,87%).

Trong 9 tháng năm 2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (47,3%) và 30 - 39 (28,2%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%).

Thùy Chi

Top