Gia Rai: Lập 'lá chắn' vững chắc, tạo 'vành đai' biên giới sạch về ma túy

15/08/2024 15:22

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc ngăn chặn, triệt xoá tội phạm liên quan đến ma túy của lực lượng chức năng thì về lâu dài, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng, tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ người dân vùng biên giới phát triển kinh tế.

Gia Rai: Lập 'lá chắn' vững chắc, tạo 'vành đai' biên giới sạch về ma túy- Ảnh 1.

Công an Gia Lai phối hợp tuyên truyền phòng, chống tôi phạm ma túy khu vực biên giới. Ảnh: Công an Gia Rai

Phát huy hiệu quả nhiều mô hình đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về việc chuyển hoá địa bàn, xây dựng "xã biên giới sạch về ma tuý", 7 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh Gia Lai đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các địa phương quyết liệt vào cuộc. Sau 7 tháng triển khai kế hoạch, với sự vào cuộc đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị các huyện Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông, trong đó lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng của tỉnh làm nòng cốt, đã phát huy hiệu quả tích cực, hình thành các "vùng xanh" không ma tuý trên tuyến biên giới.

So với các tỉnh có đường biên giới trong cả nước thì Gia Lai được đánh giá là địa bàn có "biên giới xanh" không phải trọng điểm, phức tạp về ma tuý nhưng hệ luỵ do ma tuý gây ra trên địa bàn các xã biên giới đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn cùng. Những năm qua, vùng biên giới của tỉnh Gia Lai đã được Đảng bộ và chính quyền địa phương các cấp đặc biệt quan tâm, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản; đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng lên. 

Trong thực hiện nhiệm vụ, Công an các xã biên giới đã lồng ghép thực hiện Kế hoạch chuyển hoá địa bàn xây dựng "xã biên giới sạch về ma túy" với Kế hoạch 979 của Giám đốc Công an tỉnh về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống tội phạm. Qua đó, tập trung tham mưu xây dựng mới và củng cố, phát huy hiệu quả nhiều mô hình đảm bảo ANTT ngay từ cơ sở.

Điển hình, mô hình "Camera an ninh" tại địa bàn xã Ia Nan, huyện Đức Cơ đã vận động nhân dân đầu tư lắp đặt được 16 camera, trị giá hơn 100 triệu đồng, tại các vị trí trọng yếu như ngã ba, ngã tư, khu vực trung tâm, các tuyến đường liên thôn, liên xã có tình hình, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông đông… Đồng thời, Công an xã cũng đã vận động các nhà dân có camera hướng ra đường để hỗ trợ công tác đảm bảo ANTT. Hình ảnh từ camera của Nhân dân cung cấp đã góp phần tích cực giúp lực lượng Công an kiểm soát tốt địa bàn, làm rõ nhiều vụ việc mất ANTT.

Về phía cơ sở, Công an 7 xã biên giới đã thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tăng cường phối hợp kiểm soát tạo sức mạnh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới.

Ông Trần Xuân Nghiên - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Nan, huyện Đức Cơ chia sẻ: "Chúng tôi đã đưa nội dung xây dựng "xã biên giới sạch về ma túy" vào Nghị quyết của Đảng ủy xã. Trong đó, phân công trách nhiệm cho từng đảng viên ở các chi bộ của các ban, ngành của xã và đảng viên thuộc chi bộ ở thôn, làng để kèm cặp, tuyên truyền, vận động đối với từng thanh, thiếu niên hư hoặc có nghi vấn liên quan đến sử dụng ma túy. Đồng thời, phát huy tối đa công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng tăng cường tuần tra kiểm soát, trao đổi thông tin để đấu tranh triệt xoá tội phạm ma túy".

Đến nay, 7/7 xã biên giới đều đã xây dựng "Hòm thư tố giác tội phạm" ở mỗi thôn, làng, cách làm này đã được bà con đồng tình hưởng ứng rất tích cực. Cùng với đó, thông qua các hội, nhóm Facebook, Zalo của các thôn, làng và trang fanpage của Công an xã, quần chúng nhân dân đã cung cấp nhiều thông tin, tố giác tội phạm ma túy cũng như các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Thiết lập "lá chắn" vững chắc, tạo "vành đai" biên giới sạch về ma túy

Theo Công an tỉnh Gia Rai, bên cạnh những yếu tố phức tạp nội tại bởi các đối tượng ma túy tại chỗ thì còn có nhiều đối tượng từ các địa phương khác xâm nhập hoặc lợi dụng địa bàn biên giới để móc nối hoạt động ma túy. Đặc biệt, tuyến hành lang biên giới dài, lại giáp ranh rất gần với trọng điểm, điểm nóng về ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào. Nếu không tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không loại trừ các đối tượng lợi dụng địa bàn biên giới của tỉnh Gia Lai để hoạt động, xâm nhập, vận chuyển trái phép ma túy vào trong nước. Vì vậy, yêu cầu nắm chắc tình hình địa bàn, dự báo chính xác nguy cơ, yếu tố tiềm ẩn, đặc biệt nắm chắc, quản lý chặt chẽ đối tượng để chủ động trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm, tệ nạn ma túy là hết sức quan trọng.

Đại tá Dương Văn Long, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo PCTP, TNXH và XDPT TDBV ANTQ tỉnh Gia Lai khẳng định: Sau một thời gian triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển hoá địa bàn, xây dựng "xã biên giới sạch về ma túy", chúng tôi đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo PCTP, TNXH và XDPT TDBV ANTQ các cấp của 3 huyện, 7 xã biên giới. 

Trong đó, hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là đội ngũ già làng, người uy tín, chức sắc tôn giáo đã tích cực, quyết liệt vào cuộc thực hiện tốt công tác phối hợp với Công an và Bộ đội Biên phòng để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của bà con vùng biên giới đối với công tác đảm bảo ANTT nói chung và phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy nói riêng. 

Lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã thể hiện được vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu, tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, đặc biệt là công tác nắm, dự báo tình hình, điều tra triệt phá các vụ án ma túy. Qua thực tiễn công tác, Công an các huyện, xã biên giới tiếp tục đánh giá, chỉ ra những tồn tại, hạn chế; đồng thời đúc rút những kinh nghiệm, cách làm hay, mang lại hiệu quả cao để tiếp tục nhân rộng, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Cũng theo Đại tá Dương Văn Long: Xác định việc "làm sạch" ma túy tại các xã biên giới đã khó, "giữ sạch" ma túy trên địa bàn càng khó khăn hơn. Vì vậy, để duy trì và phát huy hiệu quả của Đề án, Kế hoạch chuyển hoá địa bàn, xây dựng "xã biên giới sạch về ma túy", Công an Gia Lai tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm "triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, liên tục các biện pháp công tác" nhằm đạt được các mục tiêu, yêu cầu, lộ trình đã đề ra. 

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch, vừa thực hiện tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh, vừa tích cực, chủ động triển khai lực lượng, phối hợp với Công an các huyện, xã biên giới và Bộ đội Biên phòng để đấu tranh, triệt xoá các vụ án liên quan đến ma tuý; chủ động nắm tình hình từ xa, từ sớm, không để các đối tượng từ nước ngoài, lợi dụng hành lang biên giới để cất giấu, vận chuyển đưa ma túy xâm nhập vào trong nước. 

Văn phòng BLO tỉnh Gia Lai tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin với Văn phòng BLO tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia); mặt khác Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế nhất là đối với các tỉnh giáp ranh lân cận của Campuchia và Lào để chủ động đấu tranh với các đường dây ma túy xuyên quốc gia. Qua đó, nhằm thiết lập "lá chắn" vững chắc, tạo "vành đai" biên giới sạch về ma túy.

"Để phát huy hiệu quả, đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng trong công tác đấu tranh, làm sạch địa bàn ma túy trên tuyến biên giới, bên cạnh tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn, triệt xoá tội phạm liên quan đến ma túy của lực lượng chức năng thì về lâu dài, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa việc xây dựng, tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ người dân vùng biên giới phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt tạo việc làm ổn định cho thanh, thiếu niên, nhất là thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số để các em chú tâm vào làm ăn, lao động sản xuất, tránh xa ma túy" - Đại tá Dương Văn Long nhấn mạnh.

Vĩnh Hoàng (t/h)

}
Top