Giảm độ tuổi tự nguyện xét nghiệm HIV xuống 15 tuổi

16/11/2020 19:01

Chiều 16/11, với 91,29% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

 Ảnh minh họa

Từ ngày 1/7/2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS mới quy định giảm độ tuổi được yêu cầu xét nghiệm HIV tự nguyện xuống 15 tuổi để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay, giúp phát hiện, điều trị sớm và thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm ra cộng đồng. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, các điểm mới của dự thảo Luật bao gồm: Bổ sung một số đối tượng có hành vi nguy cơ cao được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao trong một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV; bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ phơi nhiễm, người phơi nhiễm HIV;

Đặc biệt, Luật mới quy định giảm độ tuổi được yêu cầu xét nghiệm HIV tự nguyện xuống 15 tuổi để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay, giúp phát hiện, điều trị sớm và thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm ra cộng đồng… Luật cũng quy định, kết quả xét nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho những người được xét nghiệm; vợ hoặc chồng của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Bên cạnh đó, người được giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho người được xét nghiệm; người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS; người được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS.

Theo Luật mới, các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc thực hiện thông tin, Luật quy định giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hợp đồng với chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ.

Luật mới cũng quy định các nhóm đối tượng được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm: Người nhiễm HIV; Người sử dụng ma túy; người bán dâm; người có quan hệ tình dục đồng giới; Người chuyển đổi giới tính; vợ, chồng và thành viên gia đình khác cùng sống chung với người nhiễm HIV; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV; người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; người di biến động; phụ nữ mang thai; phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện ma túy, học sinh trường giáo dưỡng; người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi…

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, toàn bộ tài sản, tài chính của Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV được sử dụng để hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với Quỹ ở Trung ương và theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Quỹ ở địa phương.
}
Top