Gỡ vướng cung ứng thuốc ARV cho người nhiễm HIV

04/08/2016 14:53

Do nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế cho Việt Nam để mua thuốc ARV đang giảm dần và sẽ không còn khi hết năm 2017. Vì vậy, nguồn kinh phí mua thuốc ARV từ Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được đấu thầu tập trung với các nguồn kinh phí khác của HIV/AIDS.

Bệnh nhân HIV/AIDS đăng ký điều trị ARV miễn phí tại BV 09, Thanh Trì, Hà Nội - Ảnh minh họa

Ông  Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, đây là thuốc đặc thù cho người bệnh đặc thù nên rất cần một cơ chế đặc biệt. Hiện nay, việc cung ứng thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT vẫn còn một số vướng mắc như các thuốc mua sắm tập trung từ nguồn Quỹ BHYT không được áp dụng theo cách ký hợp đồng trực tiếp. Bên cạnh đó, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không tạm ứng và thanh quyết toán riêng chi phí thuốc ngoài chi phí khám chữa bệnh BHYT đã sử dụng cho người bệnh BHYT…

Hơn nữa, việc đấu thầu thuốc ARV theo hình thức tập trung cấp quốc gia được sử dụng cho cả bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Trong khi đó, số người nhiễm HIV có thẻ BHYT chỉ chiếm 35% trong tổng số người nhiễm HIV đang được điều trị.

Số tiền thuốc ARV dự kiến sử dụng cho bệnh nhân có thẻ BHYT cũng thấp hơn rất nhiều so với tổng số tiền thuốc ARV trúng thầu. Việc tạm ứng kinh phí không khả thi vì kinh phí mua ARV được xác định hàng năm; việc quản lý đối với thuốc hết hạn, hư hỏng, thuốc tồn…

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng chống AIDS, Bộ Y tế, toàn quốc phát hiện hơn 230.000 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có hơn 105.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV.  Hiện cả nước có 394 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS. Mỗi cơ sở có nhu cầu về lượng thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân khác nhau.

ARV là loại thuốc điều trị HIV được cấp phát miễn phí từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Đây là loại thuốc làm giảm lượng virus HIV xuống, giúp người bệnh khỏe mạnh và quan trọng là làm giảm 95% nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Thuốc ARV cần phải điều trị suốt đời, khi bỏ điều trị không chỉ làm tăng nguy cơ kháng thuốc, kéo theo việc điều trị tốn kém và làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác.

Số lượng bệnh nhân cần tham gia điều trị ngày một tăng, thường xuyên biến động giữa các địa phương nên rất cần phải có hệ thống mua sắm, điều phối cung ứng tập trung để có giá thuốc cạnh tranh, tăng hiệu quả, giảm tỷ lệ thuốc phải hủy, kiểm soát giá thuốc thống nhất giữa các địa phương.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cung ứng thuốc ARV từ nguồn Quỹ BHYT cho những người nhiễm HIV là cần thiết. Cho nên, cần phải có giải pháp lựa chọn cơ chế cung ứng thuốc và tăng diện bao phủ BHYT đối với những người nhiễm HIV.

Mới đây, ARV và một số dịch vụ khám, chữa bệnh khác đối với bệnh nhân HIV/AIDS đã được đưa vào diện chi trả của BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn đề nghị, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm việc đấu thầu tập trung tại trung ương để mua thuốc ARV sử dụng nguồn kinh phí từ BHYT; duy trì hệ thống điều phối thuốc ARV giữa các tỉnh.

Tính toán, xác định nhu cầu cụ thể về thuốc ARV hàng năm để làm căn cứ chuyển cho cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, rà soát lại số lượng bệnh nhân đã có thẻ BHYT, đồng thời đề xuất cơ chế đặc thù mua thẻ BHYT và lộ trình bao phủ BHYT cho những người nhiễm HIV, bảo đảm những người nhiễm HIV không bị gián đoạn quá trình điều trị, đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình điều trị.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) đã đồng ý với chủ trương mua thuốc ARV tập trung bằng nguồn BHYT cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, BHXH Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bảo đảm 100% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Bên cạnh đó, rà soát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc ARV những năm gần đây và dự báo nhu cầu mua thuốc ARV thời gian tới, đề xuất phương án mua thuốc ARV bảo đảm thực hiện mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020.
Top