Gỡ vưỡng trong áp dụng biện pháp XLVPHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

08/12/2017 13:44

Tháo gỡ những khó khăn trong việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, 3 năm qua, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã giải quyết kịp thời hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tỷ lệ ngày càng cao, tiếp tục góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự của các địa phương.

Tháo gỡ những khó khăn trong việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, 3 năm qua, các Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh đã giải quyết kịp thời hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với tỷ lệ ngày càng cao, tiếp tục góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự của các địa phương.

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC thông tin về việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ảnh Nhật Thy

Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND tối cao cho biết, trong thời gian đầu khi Luật Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND mới có hiệu lực thi hành, thì việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Tại các địa phương xảy ra tình trạng đối tượng vi phạm được cơ quan chức năng phát hiện nhiều nhưng không xử lý được kịp thời.

Từ ngày 20/1-30/9/2014, các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chỉ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 216 trường hợp.

Phó Chánh án TAND tối cao cho biết, để tháo gỡ tình trạng này, TAND tối cao dã chỉ đạo, hướng dẫn các TAND địa phương chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành quyết định về quy chế phối hợp lập hồ sơ xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức cai nghiện ma túy.

Hiện phần lớn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã ban hành quy chế phối hợp giữa Tòa án và các đơn vị trực thuộc về lập hồ sơ xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Ngay sau khi có quy chế phối hợp, nhiều Tòa án đã cùng Sở LĐTB&XH, Sở Y tế, Sở Tư pháp và Công an tỉnh đã tổ chức các hội nghị liên ngành bàn bạc tìm hướng tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn thực hiện quy chế nhằm áp dụng được triệt để, đúng pháp luật.

Nhiều TAND cấp tỉnh đã chỉ đạo các TAND cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn quy trình xây dựng hồ sơ ngay từ cơ sở, bảo đảm tuân thủ đúng các biểu mẫu để hạn chế việc chuyển trả hồ sơ do chưa đầy đủ thủ tục; tham mưu đề nghị UBND cấp quận, huyện ban hành quyết định về việc thành lập tổ kiểm tra hồ sơ đối với người trên 18 tuổi và tổ chức cai nghiện ma túy trên từng địa bàn quận huyện.

Một số liên ngành cấp tỉnh, thành phố đã thống nhất rút ngắn thời gian xây dựng hồ sơ chuyển sang Tòa án thụ lý nhưng vẫn đảm bảo quyền và lợi ịch hợp pháp của đối tượng bị đề nghị, liên quan đến quyền đọc, sao chép tài liệu, quyền có ý kiến…

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhiều Tòa án đã tổ chức mở phiên họp tại cơ sở quản lý người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định với sự phối hợp có mặt của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, Phòng LĐTB&XH, đại diện công an cấp huyện. Song trên thưc tế cơ sở vật chất của các cơ sở quản lý người nghiện ma túy còn khó khăn nên việc mở các phiên họp tại các cơ sở này còn hạn chế.

Theo Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ, nhìn chung các Tòa án đã tương đối chủ động trong công tác phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương trong việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính, hầu hết các thủ tục xây dựng hồ sơ đề nghị đã thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo về mặt thời hạn và các chứng cứ thông tin cần thiết.

Từ 1/10/2014-30/9/2015, các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chỉ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với 5.627 trường hợp; từ ngày 1/10/2015-30/9/2016 là 13.302 trường hợp; từ 1/10/2016 đến 30/9/2017 là 19.344 trường hợp.

Như vậy trong thời gian 3 năm các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với tổng hợp là 38.489 trường hợp. Đây là một con số khá lớn, tăng dần theo các năm, năm 2016 tăng so với năm 2015 tăng 236,4%; năm 2017 tăng so với năm 2016 tăng 145,4%.

Trong đó phải kể đến mô hình phối hợp liên ngành của TP.Đà Nẵng với kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị trên 90%; liên ngành của TP.Hà Nội, tỉnh An Giang đã giải quyết có hiệu quả các yêu cầu áp dụng biện pháp, góp phần đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.

Top